Tin thủy sản Một số biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm

Một số biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm

Tác giả Trần Trung Thành, ngày đăng 12/12/2019

Một số biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm

Trước tình hình nuôi tôm ngày một khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều bệnh mới trên tôm nuôi và đặc biệt là các dịch vụ đầu vào phục vụ trong nuôi tôm tăng cao, giá thành tôm thương phẩm lại giảm và không ổn định, muốn có lợi nhuận cao thì việc tìm ra các giải pháp để giảm được chi phí luôn là trăn trở lớn của các hộ dân và tổ chức doanh nghiệp nuôi tôm.

Hiện nay, đầu vào nuôi tôm, từ con giống, thức ăn, nhiên liệu, thuốc phòng,  trị bệnh, chế phẩm sinh học, nhân công đều tăng Vì vậy muốn giảm chi phí người nuôi cần quan tâm tới tất cả các khâu trong quy trình nuôi, đầu tiên cần phải:

Chọn Tôm giống tốt: Người nuôi cần chọn được con giống tốt nhằm hạn chế rủi ro ngay từ khâu này. Chọn mua tôm giống (SPF-giống sạch bệnh, SPR-giống kháng bệnh). Kích cỡ PL10-12 ở những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống; Trước khi bắt giống 03 ngày, thông báo với cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao ương; Kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi mua theo yêu cầu, đảm bảo tôm giống phải đạt các tiêu chuẩn sau

Chỉ tiêu

Yêu cầu

Kích cỡ Từ PL10 – PL12 . Tỷ lệ đồng đều trên 95%
Màu sắc Màu đặc trưng của loài (sáng bóng)
Đường tiêu hóa (Đường chỉ lưng) Rõ ràng, liền mạch, không đứt đoạn, đầy thức ăn
Hình dạng Đầy đủ phụ bộ, không dị tật, không dị hình
Phản xạ Bơi tán đều, không vón cục, không chìm xuống đáy dụng cụ kiểm tra, có xu thể bơi ngược dòng nước, phản xạ nhanh nhạy khi có tiếng động hoặc ánh sáng chiếu đột ngột.
Soi bệnh phát sáng Lấy mẫu ngẫu nhiên khoảng 100 tôm giống, đưa tôm giống  vào phòng tối, nếu tôm không phát sáng là đạt yêu cầu
Sốc tôm Cách 1. Lấy ngẫu nhiên khoảng 100 tôm giống cùng 2 lít nước trong bể ương, cho thêm 2 lít nước ngọt, để trong 1 giờ, nếu lượng tôm chết dưới 10% là đạt yêu cầu
Cách 2. Lấy khoảng 100 tôm giống cùng 10 lít nước từ bể ương, cho 2 ml formol (nồng độ 200 ppm) và sục khí sau 1 giờ, lượng  tôm chết dưới 10% là đạt yêu cầu.
Kiểm tra bệnh Đưa mẫu tôm tới phòng chuyên môn kiểm tra, đảm bảo 100% tôm không nhiễm các loại bệnh.

 

Kiểm tra chất lượng tôm giống khi vận chuyển về cơ sở nuôi: Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng oxy; tôm khỏe mạnh; bơi phân tán đều trong bao. Kiểm tra lại pH và độ mặn của 03 túi tôm giống bất kỳ lấy chỉ số trung bình so với pH và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả tôm giống để hạn chế hao hụt.

Cho ăn hơi thiếu: Thông thường, ao được quản lý thức ăn tốt thì hệ số thức ăn (FCR) thấp, cụ thể FCR = 1,1-1,2 đối với tôm thẻ và FCR = 1,3-1,4 đối với tôm sú. FCR chỉ cần giảm 0,1 thì cứ 1 tấn tôm, người nuôi đã tiết kiệm được 3.000.000 đồng (= 0,1 x 1.000 kg x 30.000 đồng/kg). Cắt giảm thức ăn sẽ được lợi kép, vừa giảm tiền mua thức ăn thừa, vừa giảm các sự cố trong ao do thức ăn thừa gây ra. Điều chỉnh thức ăn từng cữ trong ngày theo thời tiết, đặc biệt 2 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng bắt mồi của tôm là nhiệt độ nước và lượng ôxy hòa tan. Chỉ cho tôm ăn 70-80% lượng thức ăn theo bảng hướng dẫn của các công ty thức ăn. Cắt giảm mạnh hoặc thậm chí ngưng cho ăn trong các trường hợp đàn tôm đang lột xác, tôm nổi đầu thiếu ôxy, tôm nhiễm bệnh hoặc ao nuôi ô nhiễm nặng như tảo chết/tàn.

Chạy quạt mạnh: Đảm bảo ôxy ở vùng rìa chất thải tối thiểu 4 ppm. Ước tính mỗi ngựa (HP) cung cấp ôxy cho 400 kg tôm và mỗi kí điện (kW) cung cấp cho 500 kg tôm trong ao. Giúp gom chất thải vào giữa ao, cung cấp ôxy để ôxy hóa chất thải, giúp tôm bắt mồi tốt và tăng trọng nhanh. Thiết kế cống xả chất thải ở trung tâm ao (nếu vùng đáy ao cao) để định kỳ rút đáy hoặc si-phông chất thải. Sử dụng vi sinh EZPon của Famentech, Aqua - Pro, Bio - Lacto, Bio - Rhodo của Công ty sinh học Quốc tế công nghệ xanh … định kỳ để phân hủy chất thải (thức ăn thừa, phân tôm, xác tảo).

Sử dụng một số chế phẩm sinh học có chất lượng tốt ngay từ đầu: Đây là khâu hết sức quan trọng trong nuôi tôm, đặc biệt là trước tình trạng thị trường thuốc, chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi tôm rất đa dạng về chủng loại, nhiều đơn vị sản xuất và cung ứng. Việc người nuôi lựa chọn được sản phẩm có chất lựơng ngoài việc giúp sử dụng có hiệu quả nó còn giảm đáng kể chi phí và ngược lại chất lượng kém liều lượng dùng sẽ tốn kém và không hiệu quả.

Đối với chế phẩm sinh học bà con nên lựa chọn được các sản phẩm có sự hiện hữu của một số nhóm: Bacillus là nhóm vi khuẩn yếm khí. Do đó ít tiêu hao oxy trong ao khi sử dụng, thích hợp sử dụng trong ao và trộn vào thức ăn. Nhóm này chịu nhiệt cao, thuận lợi trong quá trình chế biến thức ăn viên hay Lactobacillus, nhóm vi khuẩn yếm khí tuỳ nghi, có khả năng phân giải bột đường thành axit hữu cơ.

Nhóm vi khuẩn Vibrio có lợi: giống Vibrio có rất nhiều loài, trong đó có loài có lợi cho môi trường, vô hại đối với vật nuôi, nhưng cũng có loài là vi khuẩn gây bệnh phổ biến cho động vật thủy sản. Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio có lợi nhằm cạnh tranh về số lượng với các loài Vibrio gây bệnh, hạn chế hoặc triệt tiêu cơ hội gây bệnh cho các loài

Vi khuẩn gây bệnh có trong ao; Nitrobacter, Nitrosomonas là nhóm vi khuẩn hiếu khí. Đây là các vi khuẩn giúp biển đổi các khí độc NH3 thành sản phẩm ít độc NO3 qua quá trình nitrate hoá. Khi sử dụng sẽ tiêu hao nhiều oxy trong ao. Do đó, cần cung cấp đủ oxy để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và tăng hiệu quả hoạt động của men vi sinh.

Những nhóm này có trong các sản phẩm như: EZPon, lactich 47 của Famentech, Aqua - Pro, Bio - Lacto, Bio - Rhodo của Công ty sinh học Quốc tế công nghệ xanh … Sau khi lựa chọn được thuốc, chế phẩm sinh học có chất lượng tốt người nuôi nên thực hiện việc sử dụng theo nguyên tắc 3 đúng (Đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng). Làm được như thế sẽ giúp người nuôi giảm được đáng kể chi phí và sẽ nâng cao được lợi nhuận.


Cách hạn chế chất thải trong nuôi thủy sản Cách hạn chế chất thải trong nuôi thủy… Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm