Trồng lúa Một số biện pháp khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ mùa

Một số biện pháp khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ mùa

Tác giả Dương Mạnh Toàn, ngày đăng 18/02/2019

Một số biện pháp khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ mùa

Vụ xuân thu hoạch muộn hơn so với các năm trước từ 10-15, nên thời gian thu hoạch giải phóng đất để ngả không đủ cho gốc rạ phân hủy khi cấy lúa mùa xuống rễ hay bị ngộ độc hữu cơ, cây lúa chậm phát triển. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn tới bà con nông dân một số biện pháp để khắc phục ngộ độc hữu cơ và cách xử lý như sau:

Cần phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân để giải phóng đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa vụ mùa, gây áp lực lớn về thời vụ vốn đã rất căng thẳng do thời gian gối vụ ngắn. Để đảm bảo thời vụ, nhất là trên các chân ruộng bố trí trồng vụ đông, thu hoạch lúa theo hình thức cuốn chiếu gặt đến đâu đưa nước vào đến đó. Bà con nông dân tiến hành làm đất để gieo cấy, không có thời gian ngâm dầm nên thân, gốc rạ, rễ lúa bị vùi lấp chưa kịp phân hủy; Một số nơi cắt sát gốc rạ đưa lên bờ phơi đốt, gây ô nhiễm môi trường và rất lãng phí nguồn phân hữu cơ.

1/ Nguyên nhân:

Thu hoạch lúa xuân xong, bà con chuẩn bị gieo cấy vụ mùa, rơm rạ và tàn dư hữu cơ bị vùi trong đất chưa kịp phân hủy. Bên cạnh đó, với nền nhiệt độ cao của vụ mùa, tốc độ phân hủy chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ, lượng axit hữu cơ và một số khí độc như: CH4, H2S.... được giải phóng nhiều làm tăng khả năng hòa tan một số các chất trong đất có thể gây độc cho cây lúa, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình hô hấp và dinh dưỡng khoáng của cây.

2/ Triệu chứng:

- Khi bệnh mới phát sinh, ngọn lá lúa biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, thân yếu, lá có khuynh hướng dựng đứng. Bệnh nặng thì nhiều lá phía trên bị vàng đỏ đến 1/3 lá, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít.

- Nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy bộ rễ thối đen có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh. Dù có bón phân đầy đủ lúa vẫn không xanh. Nếu không kịp chữa trị, lúa sẽ lụi dần và chết. Ngộ độc hữu cơ thường thấy ở đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, cày vùi nhiều rơm rạ.

3/ Biện pháp hạn chế và khắc phục:

*Làm đất

- Là biện pháp kỹ thuật quan trọng quyết định đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong cần khẩn trương làm đất ngay đảm bảo đủ thời gian để rơm rạ thối ngấu và kịp khung thời vụ gieo cấy.

- Trên thực tế, các hộ dân chủ yếu gặt ngang lưng cây lúa, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, dễ dẫn đến hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ. Vì vậy, khi thu hoạch lúa xong nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như chế phẩm sinh học AT-YTB xử lý rơm rạ hoặc PennacP xử lý theo khuyến cáo của nhà sản xuất khi bón xuống có tác dụng để khử chua trong đất, vừa tạo điều kiện cho thân gốc rạ phân hủy nhanh hoặc bón 10-15 kg vôi bột/sào, sau đó cày vùi rơm rạ, đưa nước vào ngâm dầm ít nhất 5 - 7 ngày rồi tiến hành bừa cấy. Tăng số lần bừa để thân, gốc rạ được băm nhỏ, vùi sâu, tránh hiện tượng lúa cấy xuống bị vàng lá, phát triển kém.

* Tưới nước

Áp dụng biện pháp tưới khô ướt xen kẽ tự nhiên: Sau khi cấy xong cần giữ nguyên mực nước giúp cho lúa hồi nhanh, sau đó điều tiết nước ở trạng thái chỉ có ở dấu chân trên mặt ruộng 5 - 7 ngày, lại tiếp tục lấy nước vào ruộng ở mức 3 - 5 cm. Biện pháp này giúp cung cấp ô xy cho đất, hỗ trợ bộ rễ phát triển tốt, nên cần lặp lại nhiều lần. Kỹ thuật rút nước này tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh tốt, đồng thời giúp bộ rễ phát triển mạnh, đâm sâu vào đất, tăng cường khả năng hút chất dinh dưỡng, giúp cho cây lúa ít bị đổ.

* Bón phân

- Đối với lúa vụ mùa, thời gian sinh trưởng vụ mùa ngắn hơn so với vụ xuân. Nếu bón phân muộn, cây lúa không chỉ dễ bị sâu bệnh hại mà còn có thể xảy ra hiện tượng vừa đẻ nhánh, vừa làm đòng, năng suất thấp. Vì vậy, cần áp dụng phương châm là bón lót sâu, thúc sớm, tập trung và bón phân cân đối và đầy đủ từ đó giúp lúa cứng cây, khỏe mạnh ngay từ đầu vụ.

- Nếu ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ, bà con ngừng ngay bón phân đạm hoặc NPK, cần đưa nước vào ruộng với mực nước 5-7cm, kết hợp làm cỏ sục bùn giúp rễ lúa thoáng khí. Sau 5-7 giờ tháo cạn nước trong ruộng, để khô 2-3 ngày đưa nước trở lại nhằm rửa bớt các chất độc do quá trình phân hủy rơm rạ tạo ra. Sau đó bón 10-15kg/sào 360m2 phân lân trung tính và phân chuồng hoai mục.

Khi kiểm tra thấy cây lúa ra rễ mới (rễ trắng) và lá mới tiến hành phun phân bón qua lá (loại kích thích ra rễ cho cây lúa), khi cây lúa phát triển bình thường mới tiến hành bón thúc và chăm sóc bình thường./.


Chăm bón lúa đông xuân Chăm bón lúa đông xuân Giống, Thời vụ, Làm đất, Bón phân Giống, Thời vụ, Làm đất, Bón phân