Tin nông nghiệp Một số biện pháp ứng phó hạn mặn cho nhà vườn

Một số biện pháp ứng phó hạn mặn cho nhà vườn

Tác giả Võ Hữu Thoại (Viện Cây ăn quả miền Nam), ngày đăng 25/02/2019

Một số biện pháp ứng phó hạn mặn cho nhà vườn

Việc xâm nhập mặn của nước biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng, nhất là đối với cây có múi được xếp vào nhóm mẫn cảm với mặn. 

Khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nước mặn đã xâm nhập đến những vùng trồng cây ăn quả tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng...

Giải pháp phòng chống hạn và mặn

Do đó, đề xuất giải pháp phòng chống hạn và mặn cho cây ăn quả vùng ĐBSCL là cần thiết và cấp bách. Mặn đã làm cháy lá, làm giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng, trường hợp bị nặng có thể gây chết cây, thiệt hại lớn.

Qua khảo sát cho thấy xoài chống chịu mặn khá hơn so với cây có múi, vì vậy nông dân thường trồng xoài gần vùng đất nhiễm mặn như Bình Đại (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang), tuy nhiên với diện tích nhỏ và hiệu quả không cao.

Phản ứng với mặn của cây ăn quả khác biệt giữa các loài, giống, trong đó cam, quýt thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn, chịu mặn kém, bưởi và chanh có khả năng chống chịu hơn nhưng chỉ trong điều kiện độ mặn từ 2 đến 3‰.

Để hạn chế ảnh hưởng của nước tưới bị nhiễm mặn cho các vườn cây ăn trái, giải pháp đối phó như sau: Củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn những tháng nước mặn.

Dự trữ nước ngọt trong mương hoặc dự trữ trong túi nilon dày đặt dưới gốc cây để tưới thời điểm mặn xâm nhập. Hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn > 2%o.

Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ giai đoạn đậu trái. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…           

Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+. Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Không nên bón phân có chứa Natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây.  

Có thể phun phân bón lá có chứa kali, canxi, magiê, silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã. Các ion này có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển Na+, Cl- từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn.

Phun các chế phẩm có chứa các acid amin như Proline để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn. Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn.

Tuy nhiên những giải pháp này mang tính tức thời, để đối phó với hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL hiện nay, việc nghiên cứu chọn lọc dòng/giống cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng chống chịu những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn, ngập nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL là cần thiết.

Giống cây trồng chống chịu mặn

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu ảnh hưởng của mặn trên cây trồng từ lâu đã được các nhà khoa học chú ý, tuy nhiên phần lớn tập trung trên cây ngắn ngày (Đại học Cần Thơ, 1998; Viện KHKT NN Việt Nam, 1997; Viện Di truyền Nông nghiệp, 1996). Qua quá trình chọn lọc, đã phóng thích được một số giống chịu mặn như giống lúa CRÔ-1, Nàng thơm Chợ Đào, IR 29723, Hoa 105...

Hiện nay Viện lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ có nghiên cứu lai tạo được khá nhiều giống lúa kháng mặn.

Trên cây ăn quả chưa có nhiều kết quả nghiên cứu về cây trồng chống chịu mặn. Một nghiên cứu trên 31 loại gốc ghép cây có múi trong điều kiện phòng thí nghiệm cho thấy bòng, bưởi chua, bưởi đường hồng, cam đắng, sảnh, quýt ta và chấp chống chịu được ở nồng độ mặn NaCl 5%o.

Một nghiên cứu khác của Viện Cây ăn quả miền Nam về gốc ghép chịu mặn đã được thực hiện từ 2008 trên 16 dòng/giống cây có múi địa phương được thu thập từ Huế, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ cùng với 10 giống/dòng con lai cây có múi do Viện lai tạo và 2 giống gốc ghép nhập nội đóng vai trò chuẩn nhiễm và chuẩn kháng mặn là Carizo citrange và quýt Cleopatra. Hai giống bưởi thương phẩm được sử dụng trong nghiên cứu là bưởi da xanh và bưởi Năm Roi.

Kết quả đã chọn được 8 dòng/giống cây có múi và con lai gồm: Tắc (Bến Tre), sảnh (Bến Tre), bòng (Huế), bưởi bung (Bến Tre), bưởi hồng đường (Cần Thơ), bưởi đường hồng (Bình Dương), và 2 con lai (tắc x bưởi lông cổ cò) và (tắc x bưởi da xanh) chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn NaCl 8‰ sau 56 ngày xử lý mặn.

Kết quả trồng ngoài đồng tại Bến Tre và Tiền Giang cho thấy 5 dòng/giống cây có múi: Sảnh, bòng, bưởi bung, bưởi hồng đường, bưởi đường hồng tiếp hợp tốt với bưởi da xanh, trong đó nổi bật là bưởi da xanh ghép trên gốc ghép sảnh và bòng có sức sinh trưởng mạnh, đồng thời thể hiện chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế, cho năng suất và phẩm chất quả bưởi da xanh tương tự như trái bưởi da xanh trồng bằng nhánh chiết trong điều kiện bình thường.

Bên cạnh đó, Viện Cây ăn quả miền Nam còn nghiên cứu tuyển chọn các giống gốc ghép xoài, cây có múi chống chịu hạn, phèn và ngập úng.

Như vậy Viện đã có những kết quả nghiên cứu bước đầu trong lai tạo và tuyển chọn dòng/giống cây ăn trái chống chịu những điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu đã và đang xảy ở vùng ĐBSCL.

Hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các lĩnh vực du lịch, tài nguyên nước, môi trường sinh thái, sức khỏe con người... nhưng nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, rất khó đối phó và khắc phục trong một thời gian ngắn, nơi có vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 288.000ha gồm nhiều chủng loại trái cây đặc sản.

Các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là: Tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, phòng chống ngập lụt, đối phó với hạn hán kéo dài.

Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp. Xác định các giống cây trồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đầu tư nguồn kinh phí cho công tác chọn lọc, lai tạo những dòng/giống cây ăn quả (cây có múi, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn...) chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập.

Xây dựng các mô hình trồng giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đang xảy ra ở ĐBSCL. Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn quả và biện pháp quản lý tổng hợp.


Chăm sóc cây trồng sau ngập úng Chăm sóc cây trồng sau ngập úng Phương pháp bền vững để phát triển cây lương thực nhờ các hạt nano Phương pháp bền vững để phát triển cây…