Tin thủy sản Một số định hướng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 2016

Một số định hướng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 2016

Author PV, publish date Monday. February 22nd, 2016

Một số định hướng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 2016

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các Hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2014. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (24,8%), cao su (13,9%), chè (6,6%) và gạo (4,5%); giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm lần lượt là: 23,4%, 13,4% và 12,2%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính năm 2015 đạt 7,23 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2014.

Năm 2016, ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, cũng không ít mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 như: hạt điều, tiêu, gỗ, sắn và rau quả. Cụ thể định hướng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 như sau:

1. Thị trường Hoa Kỳ

Thuận lợi: Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nền kinh tế Hoa Kỳ có dự báo khả quan nhất cho năm 2016 với nhu cầu của thị trường nội địa Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự báo sẽ vẫn tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam; là thị trường không quá khó tính và chưa yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và chất lượng. Việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ thường là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của ta như: hạt điều, hạt tiêu, cà phê và sản phẩm mây tre cói thảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn cao su, chè và rau quả Việt Nam.

Khó khăn, vướng mắc:

Sự hấp dẫn của thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia – là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Năm 2015, trừ sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu và mây tre cói thảm, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản sang thị trường này đều giảm đáng kể so với năm 2014, đặc biệt là thủy sản (giảm 23,38%), cà phê (giảm 13,31%), cao su (giảm 7,49%), gạo (giảm 21,74%), chè (giảm 18,27%).

Định hướng:

+ Tiếp tục duy trì xúc tiến thương mại xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu chất lượng, có giá trị gia tăng cao tại thị trường truyền thống Hoa Kỳ như: thủy sản, gỗ, hạt điều, hạt tiêu và chè.

+ Tập trung hỗ trợ, đàm phán nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tránh tình trạng gián đoạn thương mại cá da trơn hoặc giảm thiểu tác động xấu gây khó khăn, giảm thị phần cá tra của Việt Nam tại Hoa Kỳ.

+ Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch tổ chức hoạt động đàm phán tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với cá tra (đã thực hiện vào tháng 2/2016) và hoạt động kết nối doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm chè tại Hoa Kỳ (dự kiến quý II/2016).

2. Thị trường châu Âu

Tình hình: Năm 2016, nền kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi chậm. Tuy các nước EU đều có dự báo kinh tế tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đều rất thấp (chưa đến 1%).

Dự báo cầu nhập khẩu chung cho cả EU sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% trong hai năm tới. Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.

Những mặt hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU là cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cao su và sản phẩm mây tre cói thảm Việt Nam.

Khó khăn: Khó khăn lớn nhất là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường này đặt ra. Một số ngành hàng như: chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

Năm 2015, trừ gỗ, hạt điều và hạt tiêu có sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường này có sự suy giảm giá trị xuất khẩu đáng kể so với năm 2014 như: cà phê (giảm đáng kể tại thị trường: Bỉ giảm 42,87%, Đức giảm 28,63%, Italia giảm 16,97%...), thủy sản (Đức giảm 20,43%, Hà Lan giảm 20,74%...), cao su (Đức giảm 28,56%, Italia giảm 9,4%...)

Định hướng:

+ Tiếp tục duy trì sự hiện diện các ngành hàng nông lâm thủy sản tại thị trường truyền thống này, nhất là tập trung đột phá vào một số thị trường có mức cầu lớn, có lợi thế để thâm nhập sâu vào các nước châu Âu.

+ Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch tổ chức hoạt động XTTM, làm việc với cơ quan thẩm quyền của các nước Châu Âu để hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất thủy sản nhân dịp Hội chợ thủy sản toàn cầu Brussel, Bỉ (thực hiện quý II/2016)

3. Thị trường ASEAN

Thuận lợi: Năm 2016 là năm ASEAN sẽ tiến tới một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực với mức thuế bằng 0. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn khiến cho hàng hóa của các nước trong khu vực dễ xâm nhập thị trường của nhau.

Một số mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này là: thủy sản, rau quả, chè, gạo, gỗ, cao su.

Thách thức: Cạnh tranh trên thị trường hàng chế biến sẽ rất mạnh mẽ không chỉ trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN mà ngay tại chính thị trường nội địa. Năm 2015, trừ rau quả và thủy sản có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2014, các mặt hàng khác như cao su, sắn, hạt tiêu và gạo đều giảm giá trị xuất khẩu tại một số nước thuộc khu vực thị trường này.

Định hướng: Tích cực tuyên truyền, phổ biến về cơ hội và thách thức cho các ngành hàng trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Hỗ trợ, tăng cường năng lực sản xuất, chế biến, nhất là về chất lượng, bao bì, mẫu mã... phù hợp với việc mở rộng thị trường tiềm năng cho một số sản phẩm nông lâm thủy sản có khả năng cạnh tranh.

4. Thị trường Trung Quốc

Tình hình: Kinh tế Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn từ chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc nhưng lại tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững do tác động của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh vấn đề biển Đông.

Trong 11 tháng năm 2015, khi hầu hết các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trọng điểm đều suy giảm kim ngạch xuất khẩu thì Trung Quốc lại là thị trường có sự tăng trưởng đáng kể (tăng 18,75% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả tăng tới 174,7%, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,195 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường.

Ngoài rau quả, các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là: sắn, gỗ, gạo, cao su, thủy sản, hạt điều, cà phê và chè.

Khó khăn: Bất lợi của hầu hết nông sản Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn khi xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2015, trừ các mặt hàng rau quả, gỗ, hạt điều và sắn đều có sự tăng trưởng dương so với năm 2014, các mặt hàng khác đều suy giảm giá trị xuất khẩu như: thủy sản (giảm 3,22%), gạo (giảm 3,56%), cà phê (giảm 15,78%), chè (giảm 32,45%).

Định hướng: Tiếp tục duy trì quan hệ với cơ quan chức năng Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc. Chủ động đề xuất đàm phán hai Chính phủ để tạo điều kiện giao thương giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch. Đa dạng hóa thị trường, mở cửa thị trường để giảm phụ thuộc, tránh rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp.

5. Thị trường Nga và các nước Đông Âu

Thuận lợi: Nga là thị trường nhập khẩu với tiềm năng lớn, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam.

Việc Nga cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, quả, thủy sản từ EU, Hoa Kỳ và một số nước láng giềng Đông Âu sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng này. Đây là tiền đề để tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại với Liên minh hải quan Belarus-Kazakhstan-Nga trước khi các nước khác cũng đạt được các điều kiện thâm nhập thị trường tương tự.

Các mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường này là cà phê, chè và rau quả.

Khó khăn: Vấn đề rủi ro tỷ giá do các điều kiện bất ổn của nền kinh tế Nga và quan hệ của Nga với Hoa Kỳ và EU là một trong những rào cản lớn khi xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cao, thanh toán còn gặp nhiều khó khăn cũng là trở ngại trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Định hướng: Tiếp tục duy trì, mở rộng thị trường Nga đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản có khả năng cạnh tranh tại thị trường này. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về chi phí vận chuyển và khả năng thanh toán.

6. Thị trường châu Phi

Thuận lợi: Kinh tế các nước châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh trong thời gian qua nhờ chính sách cải cách kinh tế, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Nhu cầu nhập khẩu về lương thực, thực phẩm tương đối lớn. Đặc biệt, thị trường này không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật như ở các khu vực thị trường khác.

Nông sản Việt Nam đã bước đầu có chỗ đứng tại thị trường và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng châu Phi. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính sang khu vực thị trường này là: gạo, gỗ và cà phê.

Khó khăn: Năng lực tài chính của các nước châu Phi còn yếu, phương thức thanh toán thường là trả chậm gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài khi muốn hợp tác kinh doanh với châu Phi.

Định hướng: Kết nối và tìm phương thức thanh toán với các đối tác có đủ năng lực đưa sản phẩm nông thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Phi.

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch Phối hợp với Viettel tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư tại tại Tanzania và 5 nước trong khu vực nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường châu Phi.


Thả tôm giống sau Tết, cần lưu ý gì? Thả tôm giống sau Tết, cần lưu ý… Sản xuất cá tra tháng 1/2016 vẫn chưa có dấu hiệu tích cực Sản xuất cá tra tháng 1/2016 vẫn chưa…