Tin nông nghiệp Một số lưu ý khi trồng đậu nành rau

Một số lưu ý khi trồng đậu nành rau

Tác giả Dung Ngọc, ngày đăng 01/04/2020

Một số lưu ý khi trồng đậu nành rau

Cùng với cây bắp, đậu nành rau là một trong những loại cây được nông dân trồng luân canh hoặc thay thế cho cây lúa. Để trồng đậu nành rau đạt năng suất cao, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau.

Nên thu hoạch đậu nành rau khi trái vừa vào chắc 80 - 90%

1. Chuẩn bị đất trước khi gieo

Cây đậu nành rau có khả năng chịu hạn nhưng sợ ngập úng. Đậu nành rau chỉ chịu được úng trong thời kì cây con trước khi ra hoa. Do đó trong quá trình chuẩn bị đất nên cuốc đánh rãnh thoát nước quanh bờ ruộng, mỗi rãnh cách xa nhau 3 – 5 m, sâu 30 cm, rộng 20 cm để giúp cho việc thoát nước nhanh khi mưa nhiều, không để đọng nước trên ruộng.

2. Mật độ trồng và kỹ thuật gieo hạt

Để cho cây đậu nành rau phát triển cân đối, có khả năng chống đổ ngã, chống sâu bệnh tốt, rất cần gieo hạt với mật độ tối ưu. Vụ Hè Thu thời tiết mưa nhiều nên gieo thưa với mật độ 25 - 30 cây/m2 (50 cm x 20 cm). Lượng giống dùng từ 100 - 120 kg/ha (tỷ lệ nảy mầm đạt trên 70%).

Trong quá trình gieo hạt, không nên để hạt vùi lấp sâu trong đất (không quá 1,5 cm), đảm bảo nền đất gieo đủ ẩm (70 – 80%), không gieo trên nền đất quá ướt. Tránh gieo hạt vào những ngày có mưa, bão.

Nên khử nấm bệnh lưu trên hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc trừ nấm như Vatino super, Norshield.. Bởi vì khi gieo hạt giống xuống ruộng, có những hạt mang mầm bệnh vẫn hút no nước và căng mọng, thế nhưng không thấy chúng mọc cây, sau một vài ngày thì thấy có một lớp nấm mốc bao quanh và thối đi, như thế sẽ không đảm bảo được mật độ trồng trên ruộng.

3. Chăm sóc

3.1. Làm cỏ: Làm cỏ có thể kết hợp với các lần bón phân và vun gốc đậu.

Trước hoặc sau khi xuống giống 1 -2 ngày, làm cỏ bằng tay hoặc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ diệt mầm Dual Gold, Dual… Sau đó, từ 14-18 ngày sau khi gieo, nếu có cỏ (từ 3-6 lá), nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu diệt mầm Onecide, Targa Super... Chú ý những giai đoạn sau không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, chỉ làm cỏ bằng tay.

3.2. Tỉa dặm: Sau khi xuống giống từ 5-7 ngày cây đã lên khỏi mặt đất (cây được 1 -2 lá thật), cần quan sát nhổ cây con chỗ dầy, dặm lại những nơi cây không lên để đảm bảo mật độ trồng, nên dặm vào buổi chiều mát.

3.3. Tưới nước: Đậu nành cần cung cấp nước đủ ẩm để sinh trưởng tốt, tuy nhiên tránh để ruộng bị ngập úng. Khi trồng trên đất lúa, bà con có thể áp dụng biện pháp tưới tràn bằng cách cho nước vào ngập ruộng từ 2 – 3 cm và khoảng hơn một giờ sau đó thì rút cạn hết nước ra. Đây phương pháp được sử dụng phổ biến nhằm giúp cho ruộng đậu luôn giữ được độ ẩm, mặt đất không bị đóng váng, hạn chế công lao động và tiết kiệm chi phí tưới nước. Kết hợp cho nước vào ruộng ở mỗi đợt bón phân giúp cho cây đậu rau phát triển tốt.

3.4. Phòng chống đỗ ngã khi mưa bão: Sau khi mưa bão vừa tan, cố gắng thoát nước kịp thời không để úng, ngập quá 24 giờ.

3.5. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

Sâu, bệnh hại đậu nành rau vụ Hè Thu cơ bản là: sâu hại cây con, sâu hại lá (dòi đục lá) và sâu đục hoa quả, bệnh héo xanh, lở cổ rễ và bệnh xoăn lá do virus.

Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh kịp thời. Nếu có xuất hiện phòng trừ như sau:

+ Giai đoạn sau gieo đến trước khi ra nụ: có thể kết hợp bắt tay diệt ổ trứng, sâu non hoặc phun thuốc nếu ở ngưỡng gây hại bằng thuốc trừ sâu đặc trị cho từng đối tượng.

+ Giai đoạn 50% nụ hoa: phun phòng trừ sâu ăn nụ hoa.

+ Giai đoạn ngay sau khi tắt chùm hoa ngọn: phun kép 2 lần phòng trừ sâu đục trái, cách nhau 5-7 ngày/lần.

+ Giai đoạn 50% quả đĩa (trái bồ kết): phun 3 lần trừ bệnh thối trái bằng các loại thuốc trừ nấm, mỗi lần cách nhau 5 ngày.

Chú ý: Do đậu nành rau là loại cây lấy trái tươi nên khuyến sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và nếu sử dụng thuốc hóa học thì phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cách ly đúng số ngày ghi trên nhãn thuốc.

4.  Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi trái đậu nành rau vừa vào chắc 80 - 90%. Tùy vào giống có thể thu hoạch lúc cây được 65- 70 ngày tuổi. Khi thu hoạch phải để đậu ở nơi râm mát, không làm xây xát, dập nát, gãy trái và chở đến nơi thu mua trong vòng 2 giờ. Vì đây là đậu ăn trái cần thu hoạch và vận chuyển càng nhanh càng tốt, tránh để đậu ngoài nắng và thu hoạch kéo dài, trái sẽ bị xuống màu.


Một số biện pháp dự trữ thức ăn cho gia súc trong vụ đông Một số biện pháp dự trữ thức ăn… Giống sa nhân tím Giống sa nhân tím