Trồng lúa Một số lưu ý kỹ thuật cấy và gieo thẳng vụ xuân

Một số lưu ý kỹ thuật cấy và gieo thẳng vụ xuân

Tác giả KS. Nguyễn Thị Nguyệt, ngày đăng 23/05/2019

Một số lưu ý kỹ thuật cấy và gieo thẳng vụ xuân

Thời điểm này bà con trong tỉnh đang tập trung làm đất và gieo cấy lúa xuân 2014. Để gieo cấy trong khung thời vụ an toàn, xin lưu ý một số vấn đề kỹ thuật như sau

1. Đối với ruộng cấy

- Về phân bón: Bà con nên sử dụng các loại phân NPK chuyên lót, bón trước khi bừa cấy 1 - 3 ngày. Mỗi sào bón 25 kg.

- Về làm đất, chuẩn bị ruộng: tiến hành bừa kỹ, sau đó be bờ giữ nước. Trước khi cấy nên gạn bớt nước trong cho vừa cấy.

- Về mật độ cấy: tùy thuộc vào từng giống lúa, chân đất và mức độ thâm canh. Với những giống lúa đẻ khỏe, chân sâu màu nhiều dinh dưỡng, mức độ thâm canh cao thì bà con nên cấy thưa, cấy nhỏ dảnh. Thông thường, với những giống đẻ khỏe như lúa lai, BC15 bà con cấy với mật độ 32 - 35 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm, đối với lúa đẻ trung bình như Q5 cấy 40 - 42 khóm/m2, cấy 2 - 3 dảnh/khóm.

Bà con cũng có thể cấy theo phương pháp hàng rộng – hàng hẹp để phát huy hiệu ứng hàng biên. Tuy nhiên cấy theo phương pháp này cần chọn những giống đẻ khỏe và tăng thêm lượng phân bón để cho hiệu quả cao.

Lưu ý: Bà con không nên cấy khi nhiệt độ dưới 150C. Kết thúc cấy trước 25/2 dương lịch.

- Chăm sóc lúa giai đoạn đầu sau cấy:

Cần giữ mực nước nông 3-5cm để giữ ấm cho cây, thuận lợi cho sử dụng thuốc trừ cỏ, tạo điều kiện để cây lúa bén rễ hồi xanh nhanh. Đồng thời cần diệt ốc bưu vàng và cỏ dại. Khi cây lúa bén rễ hồi xanh, cần bón thúc ngay bằng các loại phân NPK chuyên thúc, lượng khoảng 10-12kg/sào.

2. Đối với gieo thẳng

- Về thời vụ gieo: Đối với những giống lúa có thời gian sinh trưởng dài trên 130 ngày như lúa lai, BC15, ĐS1… gieo trước 10/2. Những giống khác gieo kết thúc trước 20/2 dương lịch.

- Về lượng giống: Theo dự báo năm nay vụ xuân ấm sẽ thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, vì vậy bà con không nên gieo quá dầy, cần khống chế lượng giống ngay từ ban đầu. Với lúa lai và những giống hạt nhỏ như BT7, T10… cần 0.8 -  1 kg/sào, đối với giống hạt to như Q5, TBR1, N97… cần khoảng 1.2 kg/sào.

- Về chuẩn bị ruộng:

Bà con cũng cần bón lót bằng các loại phân NPK chuyên lót trước khi bừa cấy. Tuy nhiên cần làm đất kỹ hơn so với ruộng cấy, trước khi gieo nên làm lầm mặt ruộng và tạo rãnh thoát nước xung quanh bờ.

-  Về kỹ thuật gieo: Có thể gieo bằng công cụ sạ hàng hoặc gieo vãi bằng tay. Nếu gieo vãi nên chia luống và chia lượng mộng đều cho các luống. Tiến hành gieo đi gieo lại cho đều để đảm bảo khoảng cách trung bình hạt cách hạt 8 – 10 cm.  Bà con gieo úp tay để mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn. Nếu gieo bằng công cụ sạ hàng, khi kéo bà con cần đi thẳng, đi đều và khép kín các lối đi, chú ý điều chỉnh tốc độ để hạt văng ra từ 18 – 20 hạt/mét dài, đảm bảo mật độ xung quanh 100 cây/m2.

Lưu ý: Nên gieo một ít mộng dự phòng vào góc ruộng để thuận tiện cho quá trình dặm tỉa.

- Chăm sóc giai đoạn đầu sau gieo thẳng: Sau gieo 1 – 3 ngày bà con cần phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm. Thường xuyên giữ ẩm mặt ruộng. Khi cây lúa được 2,5 - 3 lá mới đưa nước láng mặt ruộng và tiến hành bón nhử, kết hợp tỉa dặm, vài ngày sau khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tiến hành bón thúc và chăm sóc như lúa cấy.


Kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân Kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân Kỹ thuật gieo thẳng vụ xuân Kỹ thuật gieo thẳng vụ xuân