Một số lưu ý kỹ thuật trồng và chăm sóc cây màu xuân
Hiện nay nông dân trong tỉnh đã và đang chuẩn bị giống và vật tư để trồng cây màu vụ xuân 2019, giúp bà con trồng và chăm sóc cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại và cho năng suất cao cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc như sau:
1. Đối với cây ngô
- Thời vụ: Ngô là cây trồng cần nhiệt độ cao để nảy mầm cũng như sinh trưởng và phát triển. Cho nên thâm canh ngô vụ xuân nếu gieo trồng quá sớm sẽ kéo dài TGST của giống và có ảnh hưởng xấu nhất là thời điểm ngô trỗ cờ phun râu(khó đậu hạt). Vì vậy, để an toàn cho ngô nhất là thời kì mẫn cảm nên bố trí gieo hạt sau tiết lập xuân(tốt nhất trong tháng 2 DL).
- Chọn đất: Ngô là cây trồng tương đối dễ tính với đất trồng. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao như tiềm năng của các giống ngô lai nên chọn đất trồng ngô chủ động tưới tiêu, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, có tầng canh tác dày và giàu dinh dưỡng như đất bãi ven sông. Đất trồng ngô nên cày sâu 15-20cm.
- Mật độ trồng: Tùy giống ngô và mục đích sử dụng mà bố trí mật độ trồng cho phù hợp. Với nhóm ngô lai chế biến thức ăn gia súc trồng hàng cách hàng 70-75 cm, cây cách cây 25-30 cm; với nhóm ngô nếp, ngô đường trồng hàng cách hàng 60-65cm, cây cách cây 20-25 cm.
- Tỉa dặm: Khi cây có 1-2 lá thật, thấy có hiện tượng mất khoảng cần dặm ngay bằng cây trong bầu hoặc đánh bầu to, tránh đứt rễ mầm, cây bị chết.
- Phân bón và cách bón phân:
Muốn cho ngô đạt năng suất cao phải bón đủ lượng phân bón.
Lượng phân bón cho một sào: 3-5 tạ phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh thay thế + 12-15 kg đạm ure + 20-25 kg lân supe + 8-10 kg Kaly, hoặc sử dụng các loại phân khác như DAP, NPK chuyên dùng có hàm lượng tương đương.
Cách bón:
+ Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, phân vi sinh + lân + 1/3 đạm + 1/3 kali (bón vào rãnh hoặc vào hốc, lấp 1 lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt). Nếu khi trồng chưa bón được phân lót thì dùng lượng phân đó tưới ngay khi cây lên được 2-3 lá.
+ Bón thúc: bón làm 3 đợt:
Đợt 1: Khi ngô 3-4 lá, bón 1/3 đạm kết hợp làm cỏ vun gốc lần 1.
Đợt 2: Khi ngô 7-9 lá, bón 1/3 đạm + 1/3 kali kết hợp làm cỏ vun gốc lần 2.
Đợt 3: Bón trước trỗ cờ: 1/3 kali
- Tưới nước: Tùy theo điều kiện thời tiết, đặc điểm giống để có chế độ tưới hợp lý, có thể đưa nước vào 1/3 rãnh để đất tự ngấm nước sau đó phải tháo đi ngay.Có 3 lần tưới quan trọng:
+ Lần 1: khi cây 7-9 lá sau khi bón thúc
+ Lần 2: trước trỗ cờ 10-15 ngày
+ Lần 3: khi bắp ngô chín sữa
- Sau khi cây trổ cờ phun râu có thể tiến hành rút bỏ 10-15% cờ trên cây xấu, hoặc bẻ cờ sau khi thụ phấn xong để tập trung dinh dưỡng về bắp.
- Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
+ Thu hoạch: Tùy vào giống ngô và nhu cầu sử dụng để chọn thời điểm thu hoạch hợp lý. Nếu ngô làm thức ăn chăn nuôi, thu hoạch tốt nhất khi ruộng ngô đã có 80 – 85% số bắp có lá bi khô. Thu hoạch về bóc bỏ lá bi và phơi ngay, nếu trời mưa thì treo ở nơi thoáng tránh để mốc hạt ảnh hưởng đến chất lượng hạt. Với ngô nếp, ngô quà nên thu khi vừa đẫy hạt, lá bi còn xanh.
2. Đối với cây lạc
- Thời vụ: Vụ Xuân gieo trồng từ 15/01 đến 10/02/2019
- Giống:Lạc làm giống nên chọn loại lạc vừa (không già, không non), không bị sâu bệnh, hạt giống to, mẩy, vỏ sáng, không sây sát, tỷ lệ nảy mầm cao.Nên chọn các loại giống có chất lượng tốt, năng suất cao như L14, TB25… với lượng giống cho 1 sào cần 7-8 kg.
- Tỉa dặm: Cần tiến hành sớm khi cây có 1-2 lá thật để không bị chột cây.
- Phân bón và cách bón phân: Lượng phân bón cho 1 sào bắc bộ: 3-5 tạ phân chuồng hoai mục (hoặc các loại phân hữu cơ, phân vi sinh), 20-30 kg vôi bột, 20-25kg lân suppe, 2-3 kg đạm urê, 3-4 kg kaly.
+ Đối với lạc che phủ nilon: bón lót toàn bộ lượng phân trước khi trồng không phải bón thúc, không vun nhưng chú ý vét, làm sạch cỏ dại ở rãnh và rắc toàn bộ số vôi còn lại lên trên thân lá khi lạc ra hoa rộ.
+ Đối với lạc không che phủ nilon:
Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân lân và ½ lượng vôi.
Bón thúc: cần bón phân thúc sớm, kịp thời kết hợp vun xới để cây sinh trưởng tốt, tăng tỷ lệ đậu hoa, đậu quả.
Khi lạc 2-3 lá thật: bón toàn bộ lượng phân đạm + 1/2 kali, kết hợp xới nông phá váng khắp mặt luống, không vun để tạo độ thoáng dưới gốc, thúc đẩy cành cấp 1 phát triển.
Khi lạc có 6-7 lá thật: bón hết lượng phân còn lại xới sâu 5-6 cm quanh gốc, giúp đất tơi xốp, thoáng khí. Chú ý chỉ nhặt cỏ không vun gốc.
Sau khi lạc ra hoa rộ 7-10 ngày (khi loạt hoa đầu tàn): bón 1/2 lượng vôi, đồng thời vun cao gốc lạc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đâm tia, tạo quả và hạt.
- Nước tưới: Tùy theo điều kiện thời tiết để có thể tướ nước cho phù hợp; đảm bảo độ ẩm đất 65-70 % từ khi gieo đến ra hoa, 70-80% từ khi ra hoa rộ đến chắc hạt, nếu thời tiết khô hạn cần tưới tưới ngập 2/3 rãnh, khi nước ngấm đều thì tháo kiệt.
Chú ý: Giai đoạn cây con nếu gặp mưa ẩm dễ bị bệnh lở cổ rễ cần xới phá váng và phun phòng bằng thuốc Validacin hoặc Anvill; giai đoạn cuối nếu gặp mưa lớn cần thoát nước cho lạc kịp thời để tránh gây mọc mầm, thối quả làm giảm năng suất, chất lượng.
- Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật.
+ Thu hoạch: Khi tầng lá gốc vàng rụng, tầng lá giữa chuyển vàng dần, nhổ thăm thấy trên 80% quả già (quả đã có gân điển hình của giống, mặt trong vỏ chuyển màu đen, nhẵn, vỏ lụa có màu đặc trưng) thu hoạch lạc cho năng suất, chất lượng lạc cao
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ