Một số lưu ý trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân 2019
Vụ xuân năm 2019 là vụ không được ải, làm đất muộn, tàn dư trên đồng ruộng nhiều gây nguy cơ sâu bệnh lớn. Thời tiết đầu vụ cho thấy vụ xuân ấm điển hình và kèm khô hạn, cuối vụ được dự báo có thể có rét muộn. Các đối tượng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây hại với mật độ cao và sớm hơn cùng kỳ nhiều năm. Để hạn chế sâu bệnh hại lúa xuân 2019, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
1. Các biện pháp phòng (hạn chế) sâu bệnh
Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh ngay từ đầu vụ. Đến nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, cần lưu ý:
- Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên làm cỏ bờ và vùng lân cận ven làng để không cho sâu bệnh cư trú, ký sinh trên cỏ, sẽ hạn chế nguy cơ lây lan sâu bệnh sang lúa xuân.
- Điều tiết nước hợp lý theo công thức Nông - Lộ - Phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh kín đất nên tháo cạn nước đến rạn chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây, hạn chế rầy và bệnh khô vằn gây hại.
- Phân bón: Bón phân cân đối N, P, K, bón vừa đủ, không bón lai rai. Khi cây lúa bị bệnh, tuyệt đối không bón phân, đặc biệt là phân đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Giai đoạn lúa phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, sức sinh trưởng của cây, chân đất…) có thể bón bổ sung theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
2. Các biện pháp trừ sâu bệnh hại
- Bệnh lùn sọc đen phương nam: Bệnh do virus gây ra, lây truyền qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa. Cây bệnh có biểu hiện thấp lùn, xanh đậm, xoắn đầu lá, rách mép lá, mặt sau có thể có u sáp nổi lên; bộ rễ kém phát triển, rễ ngắn, ăn ngang hoặc ngược lên phía trên, ra nhiều rễ bất định ở đốt thân,… Tuy ít xuất hiện, nhưng nếu chủ quan bệnh có thể bùng phát thành dịch và gây hại trên diện rộng làm mất mùa nghiêm trọng. Vì vậy, nếu phát hiện rầy lưng trắng nở rộ cần khẩn trương phun trừ ngay. Nếu xuất hiện cây có biểu hiện bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn, đồng thời nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh.
- Bệnh đạo ôn: thường xuất hiện trên các giống nhiễm như BC15, Q5, TBR1, TBR225, nếp địa phương… từ giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ bông. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, mưa phùn, ruộng cấy to, cấy dày, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, bón phân muộn, ruộng trũng hẩu… Vì vậy:
+ Đối với bệnh đạo ôn lá: cần phát hiện sớm và phun phòng bệnh khi tỉ lệ bệnh còn thấp bằng các loại thuốc đặc hiệu: Katana 20SC, Filia 525SE, BumP 650WP, Bankan 600WP…
+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: thời điểm lúa trỗ bông, nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cao, nhất là về đêm. Trên các giống nhiễm phải chủ động phun phòng ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu trên khi lúa thấp thoi trỗ và khi trỗ xong. Không được để đến khi phát hiện có vết bệnh gây hại trên bông, trên gié mới phun sẽ không mang lại hiệu quả.
- Bệnh khô vằn: thường gây hại mạnh từ giai đoạn lúa phân hóa đòng đến cuối vụ, trong điều kiện nóng ẩm (có nắng mưa xen kẽ). Khi bệnh xuất hiện cần phun trừ bằng một số loại thuốc như: Validacin 5SL, Anvil 5SC,Canvil 5SC,…
- Sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại: đầu vụ ấm điển hình nên vòng đời của các loại sâu hại có thể sẽ ngắn và cao điểm gây hại sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và thực hiện phun phòng trừ theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.
+ Sâu cuốn lá: dùng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Takumi 20WG, Clever 150SC, Blugen 75SC, Obaone 95WG, Voliam Targo 063SC, Thadant 200SC,… Nếu sử dụng thuốc có hoạt chất Fipronil như Finico 80WG, Sun set 300WG, Tango 800WG,… nên kết hợp với thuốc sinh học như Dylan 5WG, Rholam super 50SG,… để tăng hiệu quả phòng trừ.
+ Sâu đục thân: dùng các loại thuốc như Prevathon 5SC, Vitarko 40WG, Voliam tago 63SC, Rotox 555 EC, Victory 558 EC, ...
+ Rầy các loại: giai đoạn bộ lá còn xanh dùng 1 trong những loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như: Midan 10WP, Actara 25WG, Sutin 5EC, Oshin 20WP, Penalty 40WP, Cytox 250WP… Giai đoạn lúa vào chín sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, vị độc như: Penalty Gold 50EC, Bassa 50EC… và phải rẽ lúa để phun vào gốc.
Lưu ý: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và theo hướng dẫn cụ thể của ngành chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ