Một số lưu ý trong sử dụng Chế phẩm Sinh học (men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản
Đặc biệt, khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học (CPSH) trong nuôi trồng thủy sản đã giúp nâng cao sức tăng trưởng, đề kháng của tôm, cá; hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả sử dụng CPSH trong nuôi trồng thủy sản cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Tác dụng của sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Chế phẩm sinh học là những sản phẩm có chứa vi sinh vật sống nhằm mục đích nâng cao sức khỏe của con người hoặc vật nuôi. Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hay còn gọi là men vi sinh nuôi trồng thủy sản có khả năng cải thiện môi trường nước, giúp tăng khả năng đề kháng, hấp thụ thức ăn của vật nuôi, từ đó góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các lợi ích của việc sử dụng CPSH trong nuôi trồng thủy sản:
- Phân hủy được các chất hữu cơ trong nước, hấp thu xác tảo chết và làm giảm lớp bùn đáy ao.
- Giảm được các độc tố trong môi trường nước do các chất khí: NH3, H2S,… phát sinh, do đó giảm mùi hôi trong nước cũng như giúp cho tôm, cá phát triển mạnh.
- Nâng cao khả năng miễn dịch của động vật thủy sản.
- Ức chế sự hoạt động và phát triển của các vi khuẩn có hại do quá trình tăng sinh làm cho số lượng vi khuẩn có lợi tăng lên lấn át và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại, do đó hạn chế mầm bệnh phát triển. Cần bổ sung CPSH định kỳ vào ao nuôi nhằm đảm bảo vi khuẩn có lợi tồn tại trong ao với số lượng lớn, cũng như để đề phòng bệnh cho động vật thủy sản.
- Ổn định pH của nước, ổn định màu nước do chế phẩm sinh học hấp thu chất dinh dưỡng hòa tan trong nước hạn chế tảo phát triển nhiều, giảm chi phí xử lý nước trong quá trình nuôi, làm tăng oxy hòa tan trong nước giúp động vật thủy sản khỏe mạnh và phát triển.
- Khi trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp hấp thụ tốt thức ăn, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và thúc đẩy tăng trưởng.
2. Một số lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản
* Trước khi sử dụng:
- Xác định mục đích, thời điểm sử dụng CPSH cho ao, đầm nuôi;
- Xác định đúng chủng loại CPSH cần sử dụng;
- Mua CPSH từ nhà sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm;
- Chỉ sử dụng CPSH trong nuôi bán thâm canh và thâm canh;
- Không lạm dụng chế phẩm sinh học.
* Trong khi sử dụng:
- Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và theo quy trình;
- Khi sử dụng CPSH cần tăng cường sục khí để có đủ oxy hòa tan trong nước, đặc biệt là vùng đáy ao;
- Những CPSH dạng dùng để trộn với thức ăn nên cho vật nuôi ăn thức ăn đã trộn với CPSH ngay sau khi trộn;
- Không dùng nhiều CPSH cùng một thời điểm, sử dụng xen kẽ và cách nhau theo thời gian quy định;
- Không dùng chung CPSH với thuốc kháng sinh, hóa chất, chất diệt cỏ,…
- Nên sử dụng các loại CPSH hỗ trợ tiêu hóa, các loại men vi sinh trộn vào thức ăn sau khi trị bệnh cho động vật thủy sản bằng kháng sinh;
- Nếu đã sử dụng các hóa chất (thuốc tím, BKC…) thì 2 - 3 ngày sau nên sử dụng CPSH để khôi phục lại các nhóm vi sinh vật có lợi trong môi trường nước nhằm cải thiện chất lượng nước, hạn chế ô nhiễm môi trường;
- Bảo quản CPSH ở nơi khô ráo, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp. Người sử dụng, tiếp xúc với CPSH phải sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ