Trồng lúa Một Số Phương Pháp Gieo Mạ Xuân Muộn
Trồng lúa Một Số Phương Pháp Gieo Mạ Xuân Muộn

Một Số Phương Pháp Gieo Mạ Xuân Muộn

Ngày đăng 30/04/2014

Một Số Phương Pháp Gieo Mạ Xuân Muộn

Vụ lúa xuân muộn ở các tỉnh phía Bắc gặp thường rét khi gieo mạ, phương pháp gieo mạ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng mạ cuối vụ. Xin giới thiệu một số phương pháp gieo mạ đảm bảo chất lượng mạ tốt.

Gieo mạ dày xúc trên dược có che phủ nilon (Tunel trên ruộng): Đây là phương pháp gieo mạ phổ biến trong nhiều năm qua, được nhiều người dân áp dụng. Thóc mầm được ngâm ủ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, rễ dài = 1/2 hạt thóc, mầm dài bằng 1/2 rễ. Dược mạ được bón lót phân chuồng ủ mục 3 tạ + 1kg đạm ure + 1kg kali + 10kg supe lân cho 01 sào bắc bộ 360 m2 mạ. Luống mạ lên rộng 1,2 - 1,5m hình mui rùa cho thoát nước ở giữa.

Giống lúa thuần gieo với mật độ 1kg thóc giống/3 - 4 m2 mạ, tuổi mạ 2 - 3 lá sau gieo 15 - 20 ngày tùy thời thiết rét nhiều hay ít. Lúa lai gieo thưa hơn 1kg thóc/8 - 10 m2. Nước tưới ngập cách mặt luống 2cm trong 5 ngày đầu và cách mặt luống 10cm những ngày tiếp theo.

Gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon: Mạ được gieo trên lớp bùn ướt phủ trên nền đất cứng tráng nắng, chú ý không gieo trên nền bê tông hay sân vôi, sân gạch vì các vật liệu này không giữ được nhiệt, được ẩm.

Trải một lớp bùn ướt dày khoảng 2 cm lấy nơi ao hồ thoáng nắng, không lấy nơi ao tù hẩu (loại bùn đen có mùi hôi tanh chứa nhiều chất độc làm thối mầm thóc).

Gieo với mật độ dày hơn mạ trên dược, lúa thuần 1kg giống/2 - 3 m2. Lúa lai 1kg giống/4 - 6 m2. Tưới ẩm thường xuyên 5 ngày đầu, mỗi ngày tưới 01 lần, những ngày tiếp theo 2 - 3 ngày tưới/1 lần.

Gieo mạ nền khô (Tunel nền khô) che phủ nilon: Mật độ gieo, tuổi mạ như gieo mạ trên nền đất cứng. Thóc giống rắc đều lên mặt luống phẳng đã tưới đủ ẩm. Đất màu được làm nhỏ như bột rắc lên hạt thóc giống một lớp dày 1cm, dùng bình bơm bơm ướt đều mặt luống sau đậy ni lon, khoảng 2 - 3 ngày tưới ẩm 01 lần bằng thùng ô doa lỗ nhỏ.

Gieo mạ ném trên khay nhựa: Nhờ công nghệ plastic sản xuất ra các khay nhựa có kích thước 35x60cm, trên khay có 561 lỗ hình nón cụt để tạo ra 561 khóm mạ. Người ta không cấy như mạ khác mà đem ném. Khóm mạ được tung lên cao 3 - 4m và rơi xuống ruộng thành từng khóm, khống chế mật độ 20 - 35 khóm/m2.

Sử dụng ruộng cấy hoặc ruộng chuyên mạ, cày bừa kỹ như cách gieo mạ truyền thống, chia luống mạ thành luống rộng 1,2m đặt vừa 2 hàng khay theo chiều ngang. Dùng bùn ở rãnh bỏ vào khay, lấy bàn xoa san đều gạt bùn thừa trên khay, miết bàn xoa sao cho nổi các gờ của lỗ trên khay để phòng hiện tượng rễ mạ đan từ bầu này, sang bầu kia sẽ làm vỡ bầu khi tách bầu khỏi khay để ném.

Rắc hạt thóc giống đã ủ mọc mầm vào khay với mật độ 1 - 2kg thóc giống/20 - 30 khay đủ cấy cho 01 sào lúa, dùng bàn tay vỗ nhẹ sao cho hạt thóc giống chìm vào các lỗ khay. Cần làm Tunel hình vòm cống che nilon chống rét cho mạ. Tuổi mạ và cách tưới ẩm như phương pháp Tunel trên ruộng.

Đây là phương pháp gieo mạ tiến bộ nhất, mạ không bị đất rễ nên không chột, khóm mạ bấm nông trên mặt ruộng nên rễ đủ oxy phát triển mạnh, cây lúa đẻ nhánh sớm, rút ngắn thời vụ 5 - 10 ngày và tăng năng suất 10 - 15% so với các phương pháp gieo mạ khác.


Phân Biệt Lúa Bị Ngộ Độc Hữu Cơ Và Ngộ Độc Phèn Phân Biệt Lúa Bị Ngộ Độc Hữu Cơ… Một Số Biện Pháp Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Sau Khi Cấy Một Số Biện Pháp Chống Rét Cho Mạ…