Tin thủy sản Một tháng lao đao của cổ phiếu DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ

Một tháng lao đao của cổ phiếu DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ

Tác giả Quốc Hải, ngày đăng 13/09/2017

Một tháng lao đao của cổ phiếu DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ

Dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn diễn ra bình thường sau ngày 2.8 nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn... “lao đao”.

Cổ phiếu 2 DN “đầu tàu” liên tục... đỏ sàn

Từ giữa tháng 7 đến nay, khi Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) thông báo về việc sẽ áp dụng chính thức điều 9CFR557 (quy định về nhập khẩu) tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2.8 thay vì 1.9 (thông báo của FSIS trước đây), cả 2 mã cổ phiếu HVG (CTCP Hùng Vương) và VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) đều đồng loạt giảm mạnh.

Cụ thể, với HVG, từ vùng giá 6.700 - 6.800 đồng/CP ở thời điểm đầu tháng 7, cổ phiếu này liên tục “đỏ sàn” và đến thời điểm hiện tại đã quay về mức giá 6.100 - 6.200 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu VHC cũng giảm mạnh, từ vùng giá 58.000 - 60.000 đồng/CP giảm mạnh về vùng giá 49.000 - 50.000 đồng/CP và đến thời điểm hiện tại chỉ còn ở mức 45.200 đồng/CP sau 6 phiên liên tiếp... “đỏ sàn”.

Đây là điều khá nghịch lý bởi thời điểm hiện tại, giá cá tra xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ đang tăng mạnh. Theo VASEP, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ hiện đã gần đạt mức 2 USD/pao (1 pao gần 0,45 kg), tức gần 4 USD/kg. Đặc biệt, theo dự báo thì giá cá tra XK sang Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới để đạt mức hơn 2 USD/pao.

Như vậy, với vai trò là 2 “đầu tàu” xuất khẩu cá tra sang Mỹ, tín hiệu tăng giá là khá tích cực với Hùng Vương và Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc tăng giá cá tra XK sang Mỹ không hẳn là điều đáng mừng, bởi kể từ 2.8, khi các lô hàng nhập khẩu bị thanh tra thì chi phí cho cá tra Việt Nam sẽ bị đội lên khá nhiều. Nguyên nhân vì toàn bộ chi phí kiểm tra cho mỗi lô hàng đều do nhà XK phải chịu.

Trước tình hình này, giới phân tích cho rằng, xét về thanh khoản, tổng giá trị khớp lệnh của cổ phiếu HVG và VHC lúc này chưa giảm nhanh. Mặc dù vậy, mức thanh khoản này sẽ khó có thể duy trì nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không có nhiều chuyển biến. Đồng thời, các phân tích kỹ thuật cho thấy, tín hiệu mua đồng loạt vẫn chưa xuất hiện trên các mã cổ phiếu này nên nhà đầu tư vẫn cần phải chọn lọc và thận trọng trong quyết định giải ngân hoặc chờ đợi xu hướng phục hồi rõ nét hơn.

Vì sao nên nỗi?

Thực tế, ngoài những quy định mới của Farm Bill khiến cả 2 mã cổ phiếu HVG và VHC giảm mạnh, tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp ngày thời gian qua cũng sụt giảm mạnh so với năm 2016 khiến tình hình càng trở nên khó khăn thêm.

Tại HVG, kết thúc quý 3 trong niên độ tài chính của doanh nghiệp này, HVG chỉ ghi nhận 3.514,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh 47% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến khoản lãi ròng của HVG chỉ ghi nhận là gần 35 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khả thi hơn so với kết quả thua lỗ của quý trước.

Mới đây nhất, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc để tập trung các nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi đã giúp cổ phiếu HVG có phiên hiếm hoi tăng trần. Tuy nhiên, bởi con số tổng vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này hiện vẫn còn hơn 8.147 tỷ đồng đã đẩy chi phí tài chính tăng cao và bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Đặc biệt, trong vài phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HVG đang có sự phục hồi nhẹ. Nguyên nhân được lý giải là do hoạt động XK của HVG hiện đang tăng mạnh trở lại, đặc biệt là XK vào thị trường Mỹ đang tăng 30%.

Cụ thể, nếu xét riêng về XK cá tra, giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt hơn 107,6 triệu USD, tăng 21,3% so với 7 tháng đầu năm 2016. Còn tính chung về giá trị XK thì 7 tháng đầu năm HVG đạt 183,7 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại VHC thì tình hình xuất khẩu lại không mấy lạc quan, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy, LNST 6 tháng đầu năm của VHC giảm 21% so với cùng kỳ.

Doanh thu xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm của VHC đạt 122 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này đến từ nhu cầu thị trường Mỹ giảm 11% so với cùng kỳ.Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh 23% và 35%. Tuy nhiên, với 7,1 triệu USD doanh thu (chiếm 6% tổng doanh thu), thì thị trường Trung Quốc vẫn chưa đủ lớn đề bù đắp cho sự suy giảm của thị trường Mỹ.

Một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng cho biết, trong 3 tuần đầu của tháng 8, sản lượng xuất khẩu của VHC sang thị trường Mỹ chỉ còn 938 tấn, giảm 75% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 3,13 triệu USD, giảm 68%. Do đó, HSC cho rằng doanh thu VHC trong quý III sẽ kém.

Ngoài ra, do triển vọng chưa rõ ràng về nhu cầu tại thị trường Mỹ, HSC cũng dự đoán sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của VHC sẽ giảm 15%, sang EU tăng 2%, sang Trung Quốc tăng 33%. Tuy nhiên, HSC cũng điều chỉnh giảm 6% dự báo doanh thu thuần năm 2017 của VHC xuống còn 8.015 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; đồng thời điều chỉnh giảm 13% dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ xuống còn 533 tỷ đồng, giảm 4%...


Nhận biết và xử lý tôm tạp chất Nhận biết và xử lý tôm tạp chất Tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc không bỏ vốn nhiều vào ngành thủy sản? Tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc…