Mô hình kinh tế Mùa cà phê đắng

Mùa cà phê đắng

Ngày đăng 21/11/2015

Mùa cà phê đắng

Nông dân huyện Trảng Bom lo lắng vì vụ cà phê vừa mất mùa, mất giá.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 10 tháng của năm 2015, xuất khẩu cà phê của Đồng Nai là 215 ngàn tấn, chỉ bằng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mất mùa, rớt giá

Vài năm trở lại đây, giá cà phê luôn duy trì ở mức thấp khiến nông dân không mấy mặn mà đầu tư.

Dù tỉnh đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển cây cà phê, như: dự án cánh đồng lớn, chương trình hỗ trợ cây, con chủ lực...

nhưng các nhà vườn vẫn thờ ơ.

Mùa khô năm nay đến sớm và khắc nghiệt hơn khiến nhiều nhà vườn đã phải tổ chức tưới cà phê ngay trong thời điểm thu hoạch thay vì sau vụ thu hoạch cả tháng như trước đây.

Nông dân đang vào niên vụ thu hoạch cà phê 2015 - 2016 với nhiều lo âu, chi phí đầu tư cao trong khi năng suất và giá cả đều bất lợi.

Không chỉ bỏ thêm rất nhiều công và chi phí để tăng cường tưới tiêu cho cây cà phê, thời tiết này lại thuận lợi cho sâu bệnh, nhất là rệp sáp xuất hiện nhiều ảnh hưởng đến năng suất cà phê.

Cụ thể, vụ thu hoạch năm nay nhiều nhà vườn giảm khoảng 30%, có vườn thậm chí giảm đến 50% sản lượng.

Trong khi đó, giá cà phê thương lái mua là 34,5 - 35 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 ngàn đồng so với thời điểm đầu năm 2015.

Ông Nguyễn Mạnh Huy, một trong những nông dân giỏi có nhiều năm gắn bó với cây cà phê tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: “Dù tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động nhưng do nắng nóng quá gay gắt, tôi phải tổ chức tưới tay để bổ sung đủ lượng nước cho cà phê bung hoa, đậu trái.

Chi phí phân bón, nhân công đội lên rất nhiều nhưng năng suất vườn cà phê vẫn giảm mạnh.

Với mức giá thu mua cà phê hiện nay, nhiều nhà vườn cầm chắc sẽ lỗ vốn.

Vụ này thua lỗ, nông dân không có vốn tái đầu tư lại tiếp tục ảnh hưởng không tốt đến vụ sau”.

* Chặt bỏ cà phê

Giá cà phê thấp nhưng thương lái cũng không mặn mà đi gom hàng, vì lượng cà phê của niên vụ trước còn tồn trong dân khá lớn.

Giá cà phê không ngừng tụt dốc khiến những thương lái và nông dân trữ cà phê từ vụ trước càng thiệt đơn, thiệt kép và đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Một số nông dân bắt đầu chặt bỏ cây cà phê hoặc chuyển dần từ hình thức trồng chuyên canh sang mô hình trồng xen canh.

Ông Nguyễn Văn Út, nông dân trồng cà phê tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Khoảng chục năm trước, một kg cà phê mua được trên chục kg phân bón thì nay mua chưa được 3 kg, vì giá cà phê thì ổn định ở mức thấp trong khi phân bón và mọi chi phí khác tăng dần từng năm.

Vài hécta chuyên canh cây cà phê hiện đều được tôi chuyển đổi sang trồng tiêu, chỉ còn gần 1 hécta trồng xen canh cà phê.

Nhưng chờ cây tiêu phát triển mạnh, tôi cũng sẽ chặt bỏ vì cây cà phê vì cho thu nhập quá thấp”.

Ông Chu Văn Can, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), so sánh: “Giai đoạn phát triển mạnh, toàn xã có khoảng 1.800 hécta chuyên canh cà phê, nay chỉ còn hơn 1 ngàn hécta nhưng chủ yếu trồng xen canh.

Vì so với các cây trồng khác, lợi nhuận từ cây cà phê ngày càng thấp, lại nhiều rủi ro do giá cả bấp bênh”.

Theo ông Can, trong vụ thu hoạch năm ngoái giá cà phê thấp nên nhiều nông dân trữ lại chưa bán, năm nay giá càng thấp hơn khiến nông dân càng lỗ.

Chính vì vậy, nhiều nông dân không còn chăm chút cho vườn cà phê khiến năng suất cây cà phê mỗi năm mỗi giảm.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây cà phê theo hướng bền vững.

Trong đó, dự án cánh đồng mẫu lớn cây cà phê sạch theo chuẩn 4C đang được triển khai tại các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ với hàng trăm hécta.

Tham gia dự án, nông dân sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp và Nhà nước, nhất là được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.


Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ… Chủ động cung ứng nguồn giống gia cầm tại chỗ đảm bảo chất lượng Chủ động cung ứng nguồn giống gia cầm…