Mưa chưa đủ giải hạn Tây Nguyên
Trắng tay vì hạn
Những ngày qua, ở hầu hết các địa phương khu vực Tây Nguyên thời tiết đã bắt đầu dịu mát nhờ những trận mưa đầu mùa. Song những trận mưa hiếm hoi ấy đã đến quá muộn để kịp cứu hàng trăm ngàn ha cà phê cho nông dân.
Dọc con đường vào các xã Ea H’Đing, Ea Tar, Ea M’Droh... thuộc huyện Cư M’Gar (Đăk Lăk), mặc dù ít nhiều đã đón nhận được những trận mưa đầu mùa, nhưng tình hình hạn hán vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; những vườn cà phê ủ rũ một màu vàng vọt vẫn đang là hình ảnh “chủ đạo” ở vùng đất này. Ông Y Hual Mlô (buôn Tâng Pĩa, xã Ea Tar), rầu rĩ: “Mưa nhỏ và đến muộn quá nên không thể cứu được vườn cà phê”. 5 năm, gom góp được bao nhiêu tiền, ông Y Hual dồn hết cho việc chăm sóc 5 sào cà phê. Thế nhưng khi chuẩn bị cho thu hoạch, ông Y Hual bị “trời hại”, ném hạn xuống đốt cháy hết những cây cà phê đang mơn mởn.
Ông Phạm Vũ Tuấn – Trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng Thủy văn Tây Nguyên) cho biết, trong 10 ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 tại nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên đã xảy ra nhiều đợt mưa, nhưng chưa thể giải hạn cho cây trồng, lượng nước chỉ thấm phần nào ở bề mặt và nền nhiệt chung có phần giảm xuống. Tại các tỉnh Bắc Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai và Đăk Lăk, hạn hán vẫn hết sức căng thẳng. Dự báo trong khoảng 10 ngày tới mưa sẽ xảy ra trên diện rộng và mùa mưa chính thức bắt đầu.
Không chỉ có ông Y Hual, mà ở Ea Tar, hàng trăm nông dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh đắng cay. Phó Chủ tịch xã này - ông Lê Quang Chương cho biết, trong tổng số hơn 2.800ha cà phê của xã, đã có đến 2.200ha bị hạn, trong đó có gần 300ha chết cành không đậu được quả. Đáng lo lắng hơn, hạn hán lại tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn như buôn Kiên, buôn Đrai Xí, buôn K’Doh...
Tại xã Ea H’Đing, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch xã cũng lo lắng: “Toàn xã có trên dưới 100ha cà phê bị mất trắng. Diện tích này hầu hết là của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện kinh tế để “cứu”. Điều này khiến đồng bào nghèo lại càng nghèo hơn”.
Tại huyện Chư Pưh (Gia Lai)- một trong những “rốn hạn” của Tây Nguyên, ngành nông nghiệp địa phương này cho biết, hạn hán đã khiến nông dân thiệt hại hơn 150 tỷ đồng. Địa phương dù đã có mưa, nhưng do lượng mưa rất ít nên nhiều nông dân khó thoát khỏi cảnh trắng tay. Ông Phùng Văn Thanh (xã Ia Đreng) than vãn: “3ha cà phê của gia đình tôi giờ đã chết sạch, thiệt hại ước tính đã đến khoảng 1 tỷ đồng. Nếu giờ bán đất sẽ tiếp tục chịu lỗ, nhưng nếu để lại chưa biết lấy nguồn vốn nào để đầu tư”.
Bỏ ngọn giữ gốc
Theo quan sát của chúng tôi, trước tình cảnh không thể cứu vãn do không còn nguồn nước tưới, nông dân trồng cà phê tại vùng hạn đang chọn giải pháp cưa bỏ ngọn cây, giữ lại gốc, chờ mưa về để cấy ghép chồi. Đây được xem là giải pháp cuối cùng giúp nông dân giảm bớt thiệt hại trong điều kiện hiện nay.
Nông dân xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar (Đăk Lăk) phá bỏ vườn cà phê bị chết khô, chuyển sang trồng sầu riêng. Ảnh: D.H
Tại Cư M’Gar - nơi có đến gần 3.000ha cà phê khô héo mất trắng, ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng NNPTNT huyện cho hay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính đã có khoảng 1.000ha cà phê được cưa cắt ngọn hoặc nhổ bỏ để cấy ghép, tái canh.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, việc bỏ ngọn, giữ gốc để tái canh, phục hồi vườn cà phê cũng là một biện pháp có thể áp dụng. Tuy nhiên, ông Thích cho rằng, nông dân cần phải xem xét kỹ lưỡng các điều kiện để quyết định có nên tái canh vườn cà phê hay không. “Nếu vùng bị hạn chỉ xảy ra trong năm nay, các năm khác vẫn có đủ nước tưới thì nông dân nên tái canh. Còn nếu vùng đó đã nhiều năm bị hạn thì tốt nhất nông dân nên chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để tránh tiền mất tật mang”- ông Thích khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ