Tin nông nghiệp Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu

Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 26/05/2022

Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu

12 người thương vong do mưa lũ tại miền Bắc

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, hiện tượng mưa lớn, sạt lở, ngập úng những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho người dân.

Cụ thể, mưa lũ làm 6 người chết (2 người ở Tuyên Quang, 2 người ở Điện Biên do sạt lở đất; 1 người ở Hòa Bình do lũ cuốn; 1 người ở Sơn La do lũ cuốn) và 6 người bị thương (4 người ở Tuyên Quang, 1 người ở Điện Biên, 1 người ở Sơn La). 307 ngôi nhà bị hư hỏng và phải di dời khẩn cấp; 26.508 ha lúa, hoa màu bị ngập; 552 ha thủy sản thiệt hại; 27 con gia súc, 6.871 con gia cầm bị chết. Về giao thông, 32.977 m3 đất đá bị sạt lở ở nhiều điểm trên các tuyến Quốc Lộ 2, 279, 4C, 4D và nhiều tuyến đường giao thông nội tỉnh; 10 cầu tạm bị cuốn trôi.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo Từ chiều tối và đêm mai (26/5) đến hết đêm 27/5, mưa dông có xu hướng gia tăng ở Bắc bộ, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm).

Ngoài ra, chiều tối và tối nay (25/5), ở Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông rải rác với lượng mưa 10-30mm, cục bộ có mưa to với lượng mưa trên 50mm. Từ ngày mai (26/5), mưa dông có xu hướng gia tăng và có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 30/5 (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lớn xảy ra ở miền Bắc trong 3 ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương. Cụ thể, Tại Phú Thọ, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 20-5 đến nay, mưa to kèm theo dông lốc đã làm 4 nhà bếp ở huyện Tam Nông, Đoan Hùng, Hạ Hòa bị hư hỏng; hơn 1.000m bờ, đường giao thông liên xã và bờ sông ở các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Thủy bị sạt trượt, đổ vỡ; gần 1.500ha lúa, ngô và rau màu và thủy sản bị gập úng ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Phù Ninh, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Cẩm Khê. Mưa to, gió lớn cũng đã làm đổ gãy 1 cột điện dân sinh ở Phù Ninh; hàng trăm mét tường rào của người dân bị đổ.

Tại Tuyên Quang, đợt thiên tai này khiến 2 người chết ở Tuyên Quang do sạt lở đất, về tài sản 253 ngôi nhà hư hỏng, hơn 9.300 ha lúa và hoa màu, 64 ha thủy sản thiệt hại. Ngoài ra, 27 con gia súc và 835 con gia cầm bị chết.

Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường ngập cục bộ, sạt lở trên 24.600 m3 đất đá ở các tuyến quốc lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện, tuyến quốc lộ 4D đi qua Lào Cai và một số đường giao thông liên xã còn đi lại khó khăn.

Tại tỉnh Bắc Kạn đã có 19 ngôi nhà bị hư hại do sạt lở taluy, rất may là không có thiệt hại về người. Về nông nghiệp và thủy sản đã có 97,42 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập (tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Đồn bị thiệt hại 83 ha, tại huyện Ba Bể thiệt hại gần 14 ha…).

Còn tại Yên Bái, đến 16 giờ ngày 24/5, trên địa bàn toàn tỉnh có 48 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại về nhà cửa, trong đó có 15 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn do sạt lở đất, sạt lở bờ sông; 33 ngôi nhà bị sạt lở taluy.

Về nông nghiệp, có trên 80 ha lúa và 67,3 ha ngô, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp. Mưa lớn gây sạt lở đất cũng đã làm thiệt hại 154.800 cây giống và 90 con gia cầm; nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập và sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ước thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tại Hà Giang, từ ngày 22/5 đến nay, mưa to liên tục trên diện rộng đã dẫn đến sạt lở đất, ngập úng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu của người dân. Xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên là địa phương trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh vùng cao Hà Giang. Toàn xã có gần 50ha đất trồng dưa hấu, sản lượng hằng năm gần 900 tấn. Năm nay người dân xã Phong Quang đang đối mặt với vụ dưa hấu mất trắng, do mưa lớn kéo dài. Những ruộng dưa sai quả sắp đến kỳ thu hoạch bị ngâm trong nước bắt đầu có biểu hiện thối rữa, hư hỏng.

Không chỉ ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có gần 200ha hoa màu, cây ăn quả, diện tích ao hồ bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. 

Tập trung khắc phục hậu quả

Tại các địa phương, ngay sau khi xảy ra thiên tai, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả. Theo đó, phươn án đầu tiên tập trung di dời các hộ gia đình có nhà bị sập, nhà trong khu vực nguy hiểm ra nơi ở mới. Mặt khác, các tỉnh khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện nhanh chóng khắc phục, thông đường bị sạt lở.

Tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời thăm hỏi, trao quà hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản; động viên các hộ gia đình sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Các địa phương tập trung huy động các lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, khơi thông các cống rãnh và triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có tình huống xảy ra, không để thiệt hại về người và tài sản.

Xã Thổ Bình huy động cán bộ, nhân dân tham gia xử lý gia cố các đoạn sạt lở kịp thời.

Đồng thời, bố trí lực lượng Thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra; khi có thiên tai xảy ra phải chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cấp huyện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống sản xuất; báo cáo, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết. 

Theo thông tin từ tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài trên diện rộng từ ngày 23-25/5 đã khiến nhiều nhà cửa, công trình giao thông tại các huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị ảnh hưởng. Hiện các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ đã chủ động khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ, di dời các hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn và tạm thời bảo đảm ổn định cuộc sống người dân. Ngành giao thông cũng bố trí phương tiện và nhân lực khẩn trương san gạt các điểm sạt lở, đảm bảo đi lại cho người dân.

Tại Huyện Bắc Quang - Hà Giang, mưa lớn gây ngập úng, sạt lở một số tuyến đường liên thôn, liên xã, hư hỏng kênh mương, thiệt hại về hoa màu, vật nuôi và ách tắc giao thông, nhất là tại các xã Hữu Sản, Liên Hiệp, Tân Lập, Tiên Kiều, Quang Minh... Ngoài chỉ đạo các lực lượng cùng vào cuộc khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Bắc Quang cũng tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi lại qua vùng có lũ và tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch các loại cây lương thực.

Dự báo các khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Giang tiếp tục có khả năng mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trong những ngày tới. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền thông tin dự báo, cảnh báo về phòng, chống thiên tai đến người dân; đảm bảo duy trì trực ban nắm bắt diễn biến của thời tiết và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh..

Tại Yên bái, ngay sau khi nhận được thông tin về hộ gia đình bị thiệt hại, lực lượng chức năng cùng chính quyền sở tại đến kiểm tra và huy động lực lượng hỗ trợ di dời tài sản của người dân đến nơi an toàn.

Đối với điểm ngập lụt, các đơn vị quản lý giao thông cùng với chính quyền địa phương lập rào chắn và cảnh giới an toàn cho người tham gia giao thông.


Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh kém vui Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân… Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm mô hình kinh tế tại xã Tam Quang Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm mô hình…