Mô hình kinh tế Mùa Mưa Rét, Không Để Gia Súc Đột Quỵ

Mùa Mưa Rét, Không Để Gia Súc Đột Quỵ

Ngày đăng 07/12/2013

Mùa Mưa Rét, Không Để Gia Súc Đột Quỵ

Chỉ vài con trâu, bò thôi cũng đã là tài sản quý giá đối với nhiều nông dân. Bảo vệ an toàn vật nuôi, không để đói rét, đột quỵ gây thiệt hại được ngành thú y và bà con rất quan tâm.

Chủ động ứng phó

Hộ anh Phan Đình Cường ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) được xem như “lò sản xuất”, cung ứng lợn giống. Sáu con lợn nái, chưa phải là nhiều, nhưng mỗi năm cung cấp khoảng 250 con giống cho người dân địa phương, thu nhập từ 130 triệu đến 150 triệu đồng.

Anh Cường còn nuôi thêm 12 con bò theo mô hình gia trại trị giá khoảng 150 triệu đồng. Nguồn thu hằng năm từ chăn nuôi lợn nái, bò, gia đình anh xây được nhà kiên cố và nuôi con ăn học. Chăn nuôi gia súc được anh Cường chọn làm đối tượng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ đàn gia súc, nhất là vào mùa mưa lạnh, không để đột quỵ luôn được hộ này quan tâm.

Vào mùa thu hoạch lúa hè thu 2013, gia đình thu gom rơm, mua thêm cám, cỏ tươi đóng bao... để dự trữ làm thức ăn chăn nuôi. Trước mùa mưa lạnh, anh Cường mua bạt che chắn, sửa chữa chuồng trại đủ ấm cho gia súc. Mấy ngày mưa lạnh này, anh đưa bò về nhốt chuồng, không thả rong để tránh đột quỵ do rét.

Ở xã Phú Mậu nói riêng và nhiều vùng nông thôn nói chung, chăn nuôi được xem là thế mạnh kinh tế. Việc bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trong mùa mưa rét luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Phó Trưởng trạm Thú y huyện Phú Vang, ông Đặng Thìn cho biết, bình quân mỗi năm, trên địa bàn huyện chăn nuôi khoảng 45 ngàn con gia súc, mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương.

Từ đầu mùa mưa lạnh, cán bộ thú y về tận cơ sở tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân che chắn, sửa chữa chuồng trại, dự trữ, tăng cường các loại thức ăn giàu dinh dưỡng (cám, thức ăn xanh, cỏ tươi...). Các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc được ngành thú y huyện triển khai quyết liệt.

“Ngành thú y và các địa phương đang từng bước chuyên nghiệp hóa công tác ứng phó, phòng chống đói rét, đột quỵ cho gia súc. Mấy năm gần nay, phần lớn người dân trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức, chủ động hơn trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa rét, hạn chế tối đa thiệt hại...”. Ông Đặng Thìn chia sẻ.

Vẫn còn chủ quan…

Về một số vùng nông thôn những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều trâu, bò nhỡn nhơ trên những cánh đồng. Thả rông gia súc là tác nhân rất dễ gây dịch bệnh và đột quỵ. Nhớ lại các đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong những năm 2007-2008 khiến hàng chục ngàn con trâu, bò, bê, nghé bị ảnh hưởng và hàng ngàn con đột quỵ.

Từ đó đến nay, trong các mùa mưa rét hằng năm, trên địa bàn tỉnh cũng có đến hàng trăm con gia súc bị đột quỵ do sự chủ quan, lơ là của người dân trong công tác ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Ngoài thả rông, nhiều hộ thiếu dự trữ thức ăn đầy đủ, giàu dinh dưỡng, như cám, cỏ tươi, thức ăn xanh...

Chuồng trại nuôi không đảm bảo che chắn, để gió lùa khiến gia súc không cầm cự trong những ngày rét buốt... Tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền), mấy năm gần đây, phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển khá mạnh. Nhiều hộ nuôi theo mô hình gia trại từ 5 con đến vài chục con trở lên, nhưng chủ yếu theo phương thức thả rông, chưa chú trọng việc trồng cỏ nuôi nhốt chuồng.

Rơm rạ, sắn, cám… ở địa phương này rất hiếm, phải mua từ xã Điền Hải (huyện Phong Điền), đồng cỏ cũng rất ít nên nguy cơ thiếu thức ăn trong mùa mưa rét rất cao… Hộ ông Nguyễn Thông ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải nuôi hơn 10 con bò chủ yếu thả rông, chuồng trại tuềnh toàng, nhếch nhác, nguồn thức ăn chính là cỏ, thiếu chủ động dự trữ thêm cám, bột sắn, sắn củ…

Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2013-2014 sẽ có đợt rét đậm, rét hại, nguy cơ gây hại đến đàn gia súc. Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh đã hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói rét, đột quỵ cho đàn gia súc và gửi các địa phương triển khai thực hiện.

Ngoài dự trữ rơm, cỏ đầy đủ, yêu cầu người dân dự trữ thêm cám, sắn củ, bột sắn đảm bảo từ 1-2 kg cho mỗi con trâu, bò. Đối với trâu, bò gầy yếu cần tăng cường cho thức ăn giàu dinh dưỡng. Nước uống cho gia súc mùa mưa rét phải sẵn sàng tại chuồng, đủ ấm, pha thêm muối.

Những ngày rét đậm rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng, tuyệt đối không nên thả rông; làm áo khoác toàn thân bằng những loại vải dày, bao tải, bao xi măng và đốt thêm củi, trấu sưởi ấm cho gia súc... Khi phát hiện vật nuôi đột quỵ, bị chết, người dân phải báo với cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp xử lý, không giết mổ và bán tháo nhằm đề phòng lây lan dịch bệnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh, các biện pháp khắc phục hậu quả sau rét cũng cần quan tâm. Trước và trong mùa mưa rét, người dân cần tăng cường trồng các loại cỏ; sau rét cần tăng cường cho gia súc các loại thức ăn giàu dinh dưỡng để nhanh chóng phục hồi sức khỏe; tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin cho gia súc cũng là biện pháp cần quan tâm triển khai thực hiện...


Xuất 36 Ngàn Tấn Thức Ăn Chăn Nuôi Sang Hàn Quốc Xuất 36 Ngàn Tấn Thức Ăn Chăn Nuôi… Sẽ Ban Hành Chính Sách Hỗ Trợ Người Chăn Nuôi Sẽ Ban Hành Chính Sách Hỗ Trợ Người…