Mua Tạm Trữ 1 Triệu Tấn Quy Gạo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2015 về việc mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL.
Theo Quyết định nói trên, tổng lượng thu mua tạm trữ sẽ là 1 triệu tấn quy gạo, bao gồm các loại lúa, gạo sản xuất ở ĐBSCL (gạo tẻ, nếp, gạo thơm và tấm các loại).
Thời hạn tiến hành thu mua tạm trữ từ 1/3 đến 15/4/2015.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có trách nhiệm tổ chức phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa lúa, gạo đúng tiêu chuẩn, thực hiện việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo.
Đồng thời VFA phải phối hợp với UBND các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL trong việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc thu mua tạm trữ lúa, gạo.
Các thương nhân được phân bổ thực hiện thu mua tạm trữ theo cơ chế thị trường và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 31/8/2015.
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết 30/6/2015.
Bộ NN-PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND các tỉnh, TP khu vực ĐBSCL và VFA, kiểm tra, giám sát việc phân giao chỉ tiêu tạm trữ và quá trình thu mua tạm trữ lúa, gạo theo đúng quy định tại Quyết định này.
Vào thời điểm này, khi mà ĐBSCL đã bắt đầu bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân, tình hình tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở khu vực này vẫn đang đứng trước những khó khăn lớn bởi giá thấp, đầu ra XK không thuận lợi.
Theo ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 650 ngàn ha lúa đông xuân, với năng suất bình quân 6,5-6,6 tấn/ha.
Tính ra đã có khoảng trên 6,2 triệu tấn lúa được thu hoạch, tương đương với khoảng trên 3 triệu tấn gạo. Nếu cộng với lượng gạo tồn kho từ cuối năm 2014 chuyển sang thì nguồn cung gạo XK hiện đang khá dồi dào.
Trong khi đó, tình hình XK trong những tháng đầu năm đang rất ảm đạm. Theo VFA, trong tháng 1, nước ta chỉ XK được trên 220 ngàn tấn gạo, chưa bằng 1 nửa của tháng 12/2014 và giảm tới hơn 100 ngàn tấn so với tháng 1/2014.
Trong 12 ngày đầu tháng 2, chỉ có trên 51 ngàn tấn gạo được giao cho khách hàng nước ngoài. Như vậy, đến trước khi nghỉ Tết Ất Mùi, các DN Việt Nam XK chưa đầy 300 ngàn tấn gạo, một con số quá khiêm tốn so với lượng gạo hàng hóa hiện có.
Nguyên nhân chủ yếu là do hợp đồng XK từ năm 2014 chuyển sang thực hiện đầu năm 2015 khá ít. Các hợp đồng lớn ký đầu năm nay cũng chưa nhiều. Chính vì vậy, trong quý 1 này, VFA chỉ dự kiến XK 900 ngàn tấn gạo, con số thấp nhất trong nhiều năm qua.
Giá gạo XK của Việt Nam từ đầu năm đã xuống mức thấp nhất trong mấy năm qua và kéo dài cho tới sau Tết Ất Mùi. Ngày 25/2, giá gạo 5% là 355-365 USD/tấn, gạo 25% tấm 325-335 USD/tấn, tấm 305-315 USD/tấn, gạo thơm Jasmine 460-470 USD/tấn.
Trong mấy ngày qua, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL có tăng nhẹ do tác động từ thông tin mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo.
Bà Trần Thị Bông, thương lái ở huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết, trước Tết Ất Mùi, giá lúa tươi IR 50404 ở khu vực này và các huyện lân cận là 4.150-4.200 đ/kg, nhưng hiện đã tăng lên ở mức 4.300-4.400 đ/kg.
Lúa OM 4900 trước Tết chưa chín, bây giờ mới bắt thu hoạch thì có giá bán tại ruộng là 4.800 đ/kg. Giá lúa đã tăng nhưng giá gạo hàng hóa nhìn chung vẫn đứng như hồi trước Tết ở mức 6.250 đ/kg với gạo lứt loại 1, 7.000-7.050 đ/kg với gạo thành phẩm 5% tấm…
Sở dĩ giá gạo hàng hóa còn chưa lên là do trong kho của các DN, gạo tồn trữ hiện còn khá nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ