Tin nông nghiệp Mục tiêu 250 triệu USD và 10.000 tỷ đồng của ngành chè

Mục tiêu 250 triệu USD và 10.000 tỷ đồng của ngành chè

Tác giả Hoàng Anh, ngày đăng 17/07/2017

Mục tiêu 250 triệu USD và 10.000 tỷ đồng của ngành chè

Mục tiêu ngành chè Việt Nam năm 2017 là xuất khẩu chính ngạch đạt trên 150.000 tấn với kim ngạch trên 250 triệu USD, đồng thời chiếm lĩnh được thị trường trong nước với sản lượng khoảng 50.000 tấn và doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng.

 

Ngành chè chạy vượt rào

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản, nhưng ngành chè đang có những đột phá để đạt được mục tiêu đề ra.  

Giải bài toán sinh tử

Thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam, trong tháng 5 năm 2017 cả nước xuất khẩu được 11.724 tấn chè, giá bình quân 1.713 USD/tấn, kim ngạch 20.089.280USD. 5 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu được 50.343 tấn chè, giá bình quân 1.512 USD/ tấn, kim ngạch 76.134.000 USD. So với 5 tháng cùng kỳ năm 2016 tăng 19,5% về sản lượng và tăng 17,5% về giá trị (trong đó châu Âu: 8.373 tấn, Mỹ: 2.260 tấn)…

 

TS Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, những tín hiệu khả quan của ngành chè trong năm nay cho thấy, tư duy về lĩnh vực này đã có những thay đổi mang yếu tố quyết định. Sau những sự cố về ATVSTP, ngành chè xác định, để đẩy mạnh xuất khẩu và xuất khẩu được chè sang các thị trường tiềm năng có giá cao thì phải có chè chất lượng cao và ATTP theo tiêu chí của nước nhập khẩu. Trong năm nay, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức của Chính phủ và phi Chính phủ, khuyến cáo và hỗ trợ doanh nghiệp chế biến liên kết với nông hộ trồng chè. Trong đó, sản xuất chè an toàn được đặt lên hàng đầu với giải pháp chủ yếu là Chương trình tổ chức BVTV tập trung cho toàn vùng sinh thái, không phân biệt chủ sở hữu các vườn chè. Đây là điểm nhấn để ngành chè Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các nước nhập khẩu chè.

Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu và Mỹ, nhưng chỉ tập trung giới thiệu các doanh nghiệp đảm bảo tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín (sản xuất - chế biến - tiêu thụ), có sản phẩm đáp ứng yêu cầu về ATTP nhằm đột phá vào các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng...

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn – Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) cũng cho rằng: Bên cạnh một số thuận lợi như một số nước sản xuất chè lớn trên thế giới bị mất mùa do hạn hán, sản lượng sụt giảm 20-30% (Ấn Độ, Kenya, Srilanka...) thì việc Ban chỉ đạo chè Quốc gia, Hiệp hội Chè Việt Nam có nhiều giải pháp, định hướng phát triển ngành chè đã tạo vị thế mới và kết quả tốt. Các nhà sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam đã quan tâm hơn tới chất lượng sản phẩm, vùng nguyên liệu, đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm chè. Một số doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ, chú trọng tới xây dựng thương hiệu. “Đây có thể xem là vấn đề cốt lõi, “sinh tử” của ngành chè”.

Ví dụ, việc thực hiện phương thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là giải pháp bắt buộc giúp cây chè phát triển bền vững. Hay dự án “Nâng cao chất lượng và an toàn nông sản và phát triển khí sinh học QSEAP (2009 - 2015)” vay vốn từ ADB đang giúp các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái, Lâm Đồng quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn. Các biện pháp tài trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, thay thế giống mới, tập huấn VietGAP… cần được đánh giá, nhân rộng để mở rộng sang các vùng trồng chè khác.

Mới đây, gần 30 doanh nghiệp và 20.000 nông dân tại Tuyên Quang tham gia hợp tác công - tư (PPP) để sản xuất chè bền vững với mục tiêu cung cấp 25.000 tấn chè sản xuất có trách nhiệm và đạt chứng nhận quốc tế. Thống kê cho thấy, sau hơn 3 năm triển khai mô hình PPP phát triển chè bền vững tại Việt Nam, chất lượng chè đã được cải thiện rõ rệt. Trước khi triển khai mô hình này, mỗi năm Tập đoàn Unilever, đối tác nhập khẩu lớn của ngành chè Việt chỉ nhập được khoảng 4.500-5.000 tấn. Nhưng hiện nay, Unilever đã nhập được khoảng 11.000 tấn và mục tiêu nâng lên 20.000 tấn.  

Tiếp tục vượt rào

Theo các chuyên gia ngành chè, rào cản lớn nhất không phải là kỹ thuật sản xuất mà là quan hệ sản xuất trong ngành chè vẫn còn quá lạc hậu, không phù hợp với sản xuất lớn, hiện đại dẫn đến năng suất lao động thấp, giá thành cao. Ngành chè cần tiếp tục thay đổi để xóa bỏ rào cản này.

Theo các chuyên gia ngành chè, rào cản lớn nhất không phải là kỹ thuật sản xuất mà là quan hệ sản xuất trong ngành chè vẫn còn quá lạc hậu

TS Nguyễn Hữu Tài khuyến cáo: Các doanh nghiệp chè cần phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, cụ thể là kiểm soát được quá trình canh tác, thu hái chè búp tươi từ vùng nguyên liệu hoặc triển khai dự án tổ chức “Cánh đồng chè lớn” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Từ trước đến nay, mỗi năm, ngành chè phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do chưa thực hiện được đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do nhà nước ban hành. Một số địa phương vẫn đang tạo điều kiện cho nhiều nhà máy chè “mọc lên” nên tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu, xuất khẩu thường xuyên xảy ra. Điều này dẫn đến sản xuất, kinh doanh chè không ổn định và giá cả bấp bênh. 

“Một DN đã đàm phán được giá xuất là 3 USD, vài hôm sau DN khác đã hạ thấp xuống 2 USD, thế là mất bạn hàng, trong khi chất lượng chè của các DN như nhau", ông Tài nói. Chính vì vậy, thách thức lớn của ngành chè đang phải đối mặt là phải thay đổi hình ảnh, thay đổi tư duy sản xuất cũng như thay đổi về mặt thể chế quản lý. Hiệp hội chè Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ NN-PTNT để Bộ đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý sử dụng thuốc BVTV cũng như đưa ra những hỗ trợ đào tạo nông dân.

Giải pháp nền tảng là cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, Ban Chỉ đạo phát triển chè bền vững và Hiệp hội Chè Việt Nam đã khuyến cáo các địa phương phân chia vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn liền với người nông dân. Trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần có những DN, tập đoàn lớn, đủ mạnh tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dựng được thương hiệu chè cho Việt Nam.


Vĩnh Long: Khoai lang đỏ mất mùa, rớt giá Vĩnh Long: Khoai lang đỏ mất mùa, rớt… Bổ sung trung, vi lượng cho cây chè miền núi phía Bắc Bổ sung trung, vi lượng cho cây chè…