Mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp 2,5-3%/năm không quá tham vọng
PV Dân Việt đã phỏng vấn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT).
Báo cáo tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5-3%/năm. Theo ông, dựa trên cơ sở nào, Chính phủ đã đề ra mục tiêu này?
- Lúc đầu, kỳ vọng của chúng ta cao hơn khá nhiều, cụ thể sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng từ 3-3,5%/năm đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với tình hình mới xuất hiện nhiều yếu tố khó khăn như biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét hơn, thiên tai nhiều hơn sẽ có tác động lớn đến đời sống sản xuất, điển hình là đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong hơn 100 năm qua do tác động của hiện tượng El Nino kéo dài.
Mặt khác, mục tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh giá thị trường thế giới đang rất yếu, có nhiều mặt hàng nông nghiệp rất lâu rồi không tăng giá như cao su, cà phê, mặc dù chúng ta đang rất nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp nhưng điều đó không thể thay đổi cục diện một sớm một chiều.
Chính vì thế, tôi cho rằng, mục tiêu 2,5-3%/năm là mức độ vừa phải và rất thực tế chứ không quá tham vọng. Ngày trước chúng ta dự kiến đặt mục tiêu 3,5%, nhưng là dựa trên mức độ tăng trưởng trên 3% nhất là thời điểm trước 2010 với tốc độ 3,2-3,3%/năm, sau đó có một giai đoạn bị giảm xuống, nên chúng ta muốn phục hồi tăng trưởng lại như ngày xưa. Tôi cho rằng, với việc chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn, vẫn có thể điều chỉnh mục tiêu này.
Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Kế hoạch 2015-2020 của Chính phủ nêu rõ, một trong những biện pháp phát triển kinh tế là cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó, đáng chú ý mục tiêu phấn đấu tăng trưởng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5-3%/năm. Chính phủ xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, mục tiêu đề ra là “quyết liệt trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm” và nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp ở mức 3-3,5%/năm theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2015). Việc giảm mục tiêu trong giai đoạn này cũng không phải quá bất ngờ trong bối cảnh nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng trong một thời gian dài ở mức cao. Theo ông, thời gian tới cần làm gì để đạt mục tiêu trên?
- Trong bối cảnh ngắn hạn trước mắt, có rất nhiều vấn đề phải xử lý, đó là đối phó với thiên tai, dịch bệnh để làm sao chỉ tiêu đề ra không bị tụt hậu. Thứ hai là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề cần làm quyết liệt, để làm sao đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, tốt cho người tiêu dùng, giữ uy tín cho hàng Việt Nam vì nó liên quan đến yếu tố thị trường, thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cần khơi thông một loạt những thị trường mới để có giá tốt hơn, khi giá tốt hơn chúng ta mới kích cung, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất. Đó là những việc trong ngắn hạn chúng ta có thể làm.
Trong dài hạn, có 3 hướng chính đó là cần tổ chức lại sản xuất, quy mô lớn hơn, có liên kết, xây dựng chuỗi giá trị; thứ hai là đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất; thứ ba là phải xem xét cân đối lại nguồn lực như cân đối đất, cân đối nước, cân đối tài nguyên… Đấy là 3 vấn đề cần làm trong giai đoạn trung dài hạn.
Nông nghiệp nước ta đang chịu tác động gay gắt bởi hạn hán từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên, miền Trung. Theo ông, cả về trước mắt cũng như lâu dài, Việt Nam cần có những chiến lược, kế hoạch gì để thích ứngvới thực tế này?
- Trước mắt, chúng ta cần xem xét cân đối lại nguồn lực như đất đai, nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác… để không những ứng phó được mà còn có khả năng đàn hồi tốt nhất đối với cú sốc.
Ví dụ như xem xét lại cơ cấu cây trồng vật nuôi, tính đến phương án chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, hoặc đa canh xen canh, thay đổi hệ thống thủy lợi hướng đến tới tiết kiệm, hoặc chuyển sang mùa vụ có thể thích ứng được với cả xâm nhập mặn, hệ thống thủy lợi cũng phải thay đổi lại không chỉ cho lúa mà phải đa năng cho cả thủy sản, tới cây công nghiệp, phòng chống cháy rừng.
Các nguồn lực về đất sử dụng cũng cần chuyển đổi thích hợp, nguồn lợi về rừng, nguồn lợi về tài nguyên ven biển, tất cả đều phải cân đối lại theo hướng gia tăng được giá trị nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ