Mô hình kinh tế Mười Năm Thương Hiệu Ớt Châu Hưng (Bến Tre)

Mười Năm Thương Hiệu Ớt Châu Hưng (Bến Tre)

Ngày đăng 05/03/2014

Mười Năm Thương Hiệu Ớt Châu Hưng (Bến Tre)

Năm 2000, hưởng ứng phong trào “Đưa cây màu xuống ruộng”, ban đầu chỉ có vài hộ nhỏ lẻ, có vốn, mạnh dạn đầu tư trồng màu, cây cà chua là cây màu chủ lực lúc bấy giờ.

Chừng vài năm sau đó, qua buôn bán với thương lái ở ngoài tỉnh, bà con nhận đơn đặt hàng và chuyển sang trồng ớt. Sản phẩm gần như được thương lái thu mua hết, giá cả khá cao, nhiều hộ có thu nhập ổn định, đời sống khá giả hơn so với sản xuất ba vụ lúa.

Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hưng (Bình Đại - Bến Tre) nhớ lại: Từ năm 2004, phong trào thật sự mạnh hơn, có hộ đã chuyển gần hết diện tích lúa sang trồng chuyên cây màu, đặc biệt là trồng ớt chỉ thiên. Đến nay, diện tích trồng màu của xã ổn định với hơn 33ha, có 120 hộ tham gia. Như vậy, nếu tính diện tích quay vòng trong năm, địa phương có hơn 100ha để trồng màu.

Trong đó, diện tích trồng chuyên ớt chiếm hơn 90%, tập trung ở các ấp Hưng Nhơn, Hưng Thạnh và Tân Hưng. Với giá ớt trên 30.000 đồng/kg thì một công đất ớt cho thu hoạch từ 800kg đến 1 tấn. Trong khi đó, chi phí cho một kí ớt chỉ là 12.000 đồng, như vậy trồng ớt bà con có thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm lúa.

Do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn (công thuê làm đất) nên lúc đầu chỉ có hộ nào có vốn mạnh mới dám đầu tư trồng ớt. Sau này, nhờ các ngành, các cấp ở địa phương hỗ trợ vốn vay, ngày càng có nhiều bà con trồng ớt. Năm 2013, giá ớt liên tục tăng từ 18.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg rồi đến 73.000 đồng/kg, có nhiều hộ “tự dưng phát giàu”.

Điển hình như hộ anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở ấp Hưng Thạnh, có 2 công ớt. Trước đây là hộ nghèo do thiếu vốn, đã mạnh dạn vay vốn trồng ớt, chỉ vụ ớt vừa qua, anh Nghĩa đã hoàn vốn cho ngân hàng và tích lũy vốn làm kinh tế cho gia đình. Hộ các anh Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Hưng Chánh, Nguyễn Ngọc Minh ở ấp Hưng Thạnh… cũng nhờ trồng ớt mà thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ngoài mặt hàng chủ lực và có thương hiệu hơn mười năm qua là cây ớt, vùng trồng màu của địa phương còn có các loại hoa màu khác “có tiếng” như dưa leo, cà chua và khổ qua; thương lái ở Tiền Giang rất chuộng hoa màu ở Châu Hưng.

Để bà con nông dân đam mê hơn với chuyện trồng màu, có nhiều kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng “sạch hơn” trong nông nghiệp, hàng năm, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; trong năm 2013 đã có hơn 22 lớp với trên 549 lượt người tham dự.

Ông Trần Minh Hoàng còn cho biết, Hội cũng đã tập hợp và thành lập được 5 tổ liên kết và tổ hợp tác sản xuất. Ngoài thế mạnh là mặt hàng ớt và hoa quả, mới đây, tại ấp Tân Hưng, Hội cũng thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, diện tích 2ha.

Để hoàn thành vững chắc tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới, ngoài 5 tổ liên kết, tổ hợp tác trong sản xuất cây màu, cánh đồng mẫu lúa (năm 2014 tăng thêm 20ha, hiện có gần 200ha với 412 hộ tham gia), sắp tới đây, địa phương cũng sẽ thành lập cánh đồng mẫu nhãn với diện tích hơn 100ha, có gần 200 hộ tham gia.


“Cò Lúa” Ăn Cửa Trên “Cò Lúa” Ăn Cửa Trên Kinh Doanh Gia Cầm Mùa... Dịch Bệnh: Giảm Giá, Vẫn Ít Người Mua Kinh Doanh Gia Cầm Mùa... Dịch Bệnh: Giảm…