Muốn bán thịt sạch ở chợ thì không được quảng cáo
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, đơn vị vừa đưa sản phẩm thịt heo VietGap ra bán tại chợ Hòa Bình, TP HCM, cho biết, mới bán được vài ngày, các hàng thịt của doanh nghiệp đã vấp phải sự phản ứng từ những người kinh doanh cùng ngành hàng.
Những tiểu thương bán thịt tại chợ này gây áp lực với ban quản lý chợ, buộc doanh nghiệp tháo băng rôn quảng cáo, bỏ những hình ảnh có chữ “thịt sạch” dán tại sạp.
Bảng giá cũng bị tiểu thương ép phải làm thật nhỏ, khó nhìn.
Mục đích là để người mua khó tìm cửa hàng thịt VietGap.
“Chúng tôi đã tiết giảm nhiều chi phí, cắt khâu trung gian, liên kết chặt với hộ nuôi, lò giết mổ đưa thịt đến tay người dùng, nhờ vậy mà nguồn thịt sạch bán ra mới có thể ngang với giá heo thông thường.
Giữa tình trạng heo nhiễm chất cấm tràn lan thì việc một vài doanh nghiệp cố gắng bán sản phẩm đảm bảo chất lượng lại bị cho là cạnh tranh không lành mạnh”, bà Thắm nói.
Giải pháp loại bỏ chất cấm mà ngành chăn nuôi đưa ra là kêu gọi người bán kinh doanh có lương tâm.
Tại Hội thảo loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi được tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, hiện phạm vi sử dụng chất cấm rất rộng và phức tạp.
Gần như tỉnh nào cũng có và thịt bẩn có từ siêu thị đến chợ.
"Những địa phương phát hiện nhiều gần đây như Đồng Nai, Tiền Giang, TP HCM, Long An là do kiểm soát chặt chẽ, gắt gao.
Các đơn vị chức năng kiểm tra, lấy mẫu thử liên tục, chứ không phải những nơi chưa phát hiện là đảm bảo chăn nuôi an toàn”, ông Dương khẳng định.
Đại diện Cục chăn nuôi đưa ra giải pháp loại bỏ chất cấm là kêu gọi người nuôi, người bán làm ăn bằng… lương tâm.
Theo ông Dương: “Với tình trạng hiện nay, chỉ có cách là người tiêu dùng tích cực tố giác, tẩy chay các cơ sở chăn nuôi làm ăn không chân chính, lên án hành vi kinh doanh vô đạo đức.
Chúng ta phải tác động cả vào người thân của họ, để cùng nhau thức tỉnh, cùng thấy xấu hổ với cách làm ăn bất chính, gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm uy tín ngành chăn nuôi”.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục thú y TP HCM, năm 2015, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lại bùng phát mạnh.
Chỉ riêng trên địa bàn thành phố, trong 9 tháng qua đã phát hiện hàng chục vụ sử dụng chất tạo nạc.
Đáng nói những vụ này là từ nguồn thịt heo từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ.
Cụ thể, Đồng Nai đứng đầu với 11 lô heo dương tính với tồn dư chất cấm.
Tiền Giang, Long An cùng có 4 lô.
Các địa phương khác như Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu, Vĩnh Long cũng đều có trường hợp này.
Ngoài sử dụng các chất tạo nạc, thuốc an thần cũng được đa số thương lái sử dụng, với mục đích “làm đẹp” thịt mà cán bộ thú y rất khó phát hiện.
Chất tạo nạc là tên gọi dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ.
3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường hiện nay là Sabutamol, Ractopamine, Clenbuterol, trong đó Sabutamol được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn, nhóm chất này kích thích tuyến thượng thận sản sinh Corticoid và làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỉ lệ thịt mông, đùi và khiến cho da vật nuôi bóng mượt.
TS Vương Nam Trung, Phân viện chăn nuôi Đông Nam bộ cho rằng, việc các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ sử dụng chất cấm trong nuôi heo là vì lợi nhuận mang lại quá lớn.
Nếu bỏ ra 50.000 đồng mua thuốc, họ thu lại đến 200.000 đồng, trong khi mức xử phạt lại chưa đủ sức răn đe.
Với các doanh nghiệp bán thực ăn chăn nuôi vi phạm, mức xử phạt 80-100 triệu cho mỗi lần vi phạm cũng không thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ