Muốn có quota đi trời Tây, nông sản hữu cơ Việt cần tiêu chuẩn gì
Các chuyên gia nhận định, không chỉ ở trong nước, nhiều thị trường khó tính ngoài nước cũng luôn ưa chuộng và khan hiếm nông sản hữu cơ. Bởi thế nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) luôn có thị trường rộng mở, khỏi lo đầu ra.
Tập đoàn TH True Milk triển khai mô hình trang trại đạt chuẩn hữu cơ tại Việt Nam. Ảnh: T.D
Nhiều tiềm năng
Chị Hoàng Thị Tâm ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, tôi luôn “đau đầu” về vấn đề lựa chọn thực phẩm sạch vì gia đình có cả người già và trẻ nhỏ rất “mẫn cảm” với thực phẩm. Từ khi có một số doanh nghiệp lớn giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ, chúng tôi đã rủ nhau tìm đến sử dụng các sản phẩm thực phẩm hữu cơ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình”.
Bộ NNPTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KHCN để xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn NNHC. Trước mắt tiêu chuẩn này phải được chấp nhận trong Cộng đồng kinh tế chung ASEAN và sau đó phải được các nước trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… chấp nhận. Có như vậy mới tạo điều kiện cho NNHC đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Hiệp Hội NNHC Việt Nam cho biết, thực phẩm hữu cơ (Organic Food) là vấn đề mà nhiều người rất quan tâm, đã được thảo luận từ lâu. Cách đây mươi năm, loại thực phẩm này chưa phổ biến và thường chỉ được bán ở các tiệm Health Food. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thực phẩm Organic đã dần quen thuộc với người dân, trong đó làm bài bản nhất phải kể tới một số tập đoàn lớn như Tập đoàn TH, Vingroup…
Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng thực phẩm hữu cơ của Việt Nam sản xuất được so với nhu cầu hiện nay thì vẫn còn quá “khiêm tốn”. Không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới nông sản hữu cơ cũng còn rất nhiều tiềm năng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và Truyền thông NNHC, tính đến năm 2015 toàn thế giới có 170 nước được chứng nhận có sản xuất NNHC, tăng 6 nước so với năm 2008. Về diện tích, hiện tại có khoảng 40 triệu ha NNHC, chiếm 0,9% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Doanh thu từ NNHC năm 2010 từ việc bán thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc hữu cơ đã đạt 59,1 tỷ USD, tăng 4,2 tỷ USD so với năm 2009 và gấp hơn 3 lần năm 2000 (18 tỷ USD).
Có thể xuất khẩu hàng tỷ USD
Đánh giá về thực phẩm hữu cơ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, xu thế tiêu dùng thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao hơn, nên sự tồn tại và phát triển những thực phẩm “cao cấp” hữu cơ sẽ là xu thết tất yếu.
“Việc sản xuất thực phẩm hữu cơ có rất nhiều lợi thế như: Sản lượng thực phẩm hữu cơ của Việt Nam và thế giới còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi thực phẩm sạch, có tiêu chuẩn cao ngày càng lớn; sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân; yên tâm về đầu ra bởi hoàn toàn có thể bán trong nước và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu…” - một lãnh đạo của Bộ Công Thương phân tích.
Theo vị lãnh đạo này, thực phẩm hữu cơ nếu làm bài bản theo chuỗi, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn thì có thể xuất khẩu đem lại hàng tỷ USD ngoại tệ cho Việt Nam mỗi năm. Hàng năm, trong các chương trình xúc tiến thương mại của Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp nói chung và NNHC nói riêng của nước ta khi giới thiệu ở các nước cũng được đánh giá rất cao.
Theo ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam, nhu cầu của Việt Nam và cả thế giới đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển NNHC, phải có hệ thống văn bản pháp lý canh tác hữu cơ và phải gắn với quá trình thực thi pháp luật. Đồng thời, hệ thống này phải phù hợp với trình độ hiểu biết của nông dân để họ có thể áp dụng được và phải phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ tại các nước mà Việt Nam muốn xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Có như vậy mới cấp được “quota” cho NNHC của Việt Nam sang “trời tây”.
Nói về khó khăn khi tiếp cận thị trường thực phẩm hữu cơ, ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm nổi tiếng tại Hà Nội cho rằng: Nếu áp dụng các tiêu chuẩn do các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ vào Việt Nam thì giá thành sản phẩm NNHC sẽ tăng lên quá cao (khoảng 5.000 USD/năm/ha), trong khi áp dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức tại Việt Nam thì chưa được công nhận.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ