Mô hình kinh tế Muốn Giàu, Nuôi Cá Đặc Sản

Muốn Giàu, Nuôi Cá Đặc Sản

Ngày đăng 11/01/2014

Muốn Giàu, Nuôi Cá Đặc Sản

Gần đây, đi về nhiều địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế thấy rộ lên phong trào nuôi cá cao cấp đặc sản, kiểu như các loại cá nâu, cá vẩu, cá vược, cá diêu hồng... Gọi là cá cao cấp bởi lẽ giá bán cao ngất ngưởng, người nuôi cá nhằm vào thị trường tiêu thụ là các nhà hàng hay xuất khẩu. Lại chợt nhớ tới câu nói của cha ông mình ngày trước "muốn giàu nuôi cá".

Ví như chuyện nuôi cá vẩu ở Vinh Hiền (Phú Lộc). Phong trào bắt đầu từ năm 2009. Người dân đi đặt chuôm đánh bắt cá hồng, cá mú trong tự nhiên thấy lẫn vào trong đó con giống cá vẩu, vậy là bàn cách nuôi. Cá vẩu được dân gian xếp vào loại cá quý hiếm, ngon, có thịt săn chắc, thơm và ít có mùi tanh như một số loại cá khác.

Thức ăn cho cá vẩu là các loại cá tạp tươi sống. Tính toán của người nuôi cho thấy, sau 6 tháng nuôi là cho thu hoạch đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg/con; bán với giá 200 ngàn đồng/kg. Nếu thả nuôi 100 con/lồng với kích cỡ cá thả 60 con/kg đến khi thu hoạch sẽ cho lãi ròng khoảng 30 triệu đồng.

Hay là chuyện nuôi con cá đối mục. Năm, 2012, ông Phạm Văn Thanh (thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang), một người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi các loại đặc sản như tôm, cua và cá dìa, được sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng, đã mạnh dạn đầu tư vào con cá đối mục.

Ông Thanh đào hồ và thả nuôi 6.000 con cá giống, chỉ sau 6 tháng nuôi đã lãi ròng 150 triệu đồng. Loại cá này rất được giá, khoảng 160.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Thức ăn của cá đa dạng, vừa là thức ăn công nghiệp, vừa là rong tảo tự nhiên.

Điểm mặt các loại cá đặc sản cao cấp được chọn nuôi hiện nay, ngoài cá vẩu, cá đối mục vừa nêu, còn có thể kể thêm các loại cá nâu, cá vược, cá diêu hồng, cá mú, cá chẽm... Toàn những loại cá mà mới nhắc tới thôi cũng đã thấy thèm. Hãy dừng lại con cá diêu hồng. Nó còn được gọi là cá rô phi đỏ và thực chất là “con lai” của cá rô phi đen. Cá diêu hồng là một loại cá có chất lượng thịt thơm ngon, thịt cá diêu hồng có màu trắng, trong sạch, các thớ thịt được cấu trúc chắc và đặc biệt là thịt không quá nhiều xương. Cá có hàm lượng mỡ cao nên ăn rất béo.

Cá diêu hồng thường được chế biến thành các món ăn ngon và hấp dẫn như: Cá diêu hồng hấp tương, cá diêu hồng nấu riêu, lẩu cá diêu hồng, cá diêu hồng nướng lá sen.. Ngoài ra, cá diêu hồng còn được sử dụng để làm các món ăn thông dụng khác như các món luộc, chiên, rán, kho… Ngon là điều chắc chắn nhưng người dân đụng vào chỉ có mà “phỏng tay”, cả trăm ngàn đồng một kg chứ không ít!

Cá đặc sản cao cấp không phải là hiếm hoi ở Thừa Thiên Huế vốn có vùng đầm phá rộng nhất Đông Nam Á với nhiều loại cá từng nổi tiếng với các danh xưng, như “cá tiến vua” hay “cá thuốc bắc”. Khi mà vì nhiều lý do việc khai thác tự nhiên ngày càng khó khăn thì việc thả nuôi để có nguồn cá đặc sản cao cấp bổ sung cho thị trường cũng là điều bình thường.

Nó thuận lợi ở chỗ có điều kiện sống tương đồng giữa cá nuôi và cá tự nhiên. Cách nay không lâu tôi có dịp về thăm Quảng Công (Quảng Điền) và đã được tận mắt chứng kiến cảnh tượng người dân lấn phá Tam Giang làm hồ nuôi cá đặc sản cao cấp. Gần trưa, nắng đã lên cao, tôi có dịp ghé thăm hồ nuôi cá của một hộ gia đình.

Gặp lúc, cả nhà đang loay hoay cho cá ăn. Cảnh tượng cá đớp thức ăn, mặt nước rào rào như cơm sôi, nhìn thật sướng con mắt. Cả dãy mấy hồ cá liên tiếp, gia đình thả nuôi các loại cá vược, cá diêu hồng, cá nâu… nhiều độ tuổi, toàn là những thứ cá đặc sản cao cấp chỉ thấy có ở những nhà hàng sang trọng.

Nuôi cá đặc sản cao cấp thu nhập cao nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề suy nghĩ. Đầu tiên là chuyện con giống. Ví như loại cá vẩu thuộc họ cá chim trắng, có giá trị kinh tế cao. Để nhân rộng mô hình nuôi cá vẩu, cần phải có thời gian và chiến lược lâu dài, bởi hiện nay nguồn giống chưa chủ động được, đầu ra phụ thuộc vào thương lái.

Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư vì thế đang có kế hoạch nghiên cứu và đưa vào nuôi thử nghiệm giống cá chim có đặc tính tương tự cá vẩu nhưng có khả năng sinh sản. Nếu thành công sẽ giúp người dân chủ động hơn về mặt con giống, từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi.

Cũng xung quanh con cá vẩu, các vấn đề kỹ thuật như cải tạo lồng nuôi, cách chọn giống, cho ăn… người nuôi vẫn còn trong giai đoạn mày tìm tòi và mày mò nên không tránh khỏi những hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tư cho việc nuôi cá đặc sản cao cấp cuối cùng là chuyện đáng bàn. Trở lại câu chuyện ở Quảng Công. Điều khiến tôi ngạc nhiên khi thức ăn cho cá nuôi kia là loại cá trích tươi rói. Một số được xay nhuyễn tại chỗ cho mấy chú cá nhỏ. Số còn lại có trường hợp còn nguyên cả con là khẩu phần cho các cô cậu cá nuôi lớn tuổi.

Tính ra, cả 4 - 5 hồ nuôi cộng lại có tổng diện tích mặt nước khoảng 1ha, vậy mà chi phí hàng ngày lên tới từ 2 đến 2,5 triệu đồng, tương đương khoảng 2 tạ đến 2,5 tạ thức ăn cá sống. Ăn uống kiểu này thì mỗi năm chỉ tính riêng về thức ăn cho cá nuôi cũng đã lên tới 6-7 trăm triệu đồng chứ chẳng ít. Thế nhưng, như đã trình bày, bù lại là thu nhập mang đến. Mạnh dạn đầu tư vào các loại cá đặc sản cao cấp, nhiều ngư dân thu lãi không chỉ tiền triệu mà là tiền tỷ mỗi năm, xứng đáng với câu nói xưa của dân gian “muốn giàu nuôi cá”.


Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Đơn Tính Là Chính Theo Hướng GAP Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi… Sản Xuất Chăn Nuôi Hồi Phục Bền Vững Sản Xuất Chăn Nuôi Hồi Phục Bền Vững