Nam Định phát triển nuôi ngao bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy
Theo số liệu thống kê năm 2014, riêng tại phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc vùng lõi của VQG Xuân Thủy đang có 347 vây (lô, đầm) nuôi ngao quảng canh với tổng diện tích là 1.101,3ha, ước tính có khoảng 237 chủ vây đại diện cho 400 - 500 nhà đầu tư đang nuôi ngao tại khu vực này. Sản lượng ngao nhiều năm qua luôn giữ vững ổn định từ 10 - 12 nghìn tấn và đem lại nguồn thu hằng năm ước tính từ 150 - 200 tỷ đồng cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên do việc quản lý địa giới hành chính của 5 xã vùng đệm: Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Giao Lạc, Giao Xuân đối với khu vực Cồn Lu và người dân tự phát nuôi ngao quảng canh ở đây đã tồn tại từ trước khi thành lập VQG Xuân Thủy nên việc quản lý chưa được triệt để. Chính vì vậy, VQG đã xây dựng mô hình đồng quản lý, chia sẻ lợi ích và đã được UBND tỉnh phê duyệt, chính thức khởi động từ năm 2015.
Với mô hình này các bên tham gia thực hiện gồm VQG Xuân Thủy, chính quyền (xã, huyện) và cộng đồng địa phương. VQG Xuân Thủy được huyện Giao Thủy ủy quyền triển khai ký hợp đồng chia sẻ lợi ích thông qua việc cho phép các đối tượng trong cộng đồng sử dụng đất mặt nước để nuôi ngao quảng canh ở khu vực; đồng thời thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo thỏa thuận.
Tổng số tiền thu được từ 2 - 3 tỷ đồng/năm tùy vào tình hình giá cả và sản lượng ngao thu hoạch được sử dụng chi cho công tác quản lý khu nuôi ngao quảng canh, bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng quỹ phúc lợi của UBND các xã vùng đệm tham gia đề án và của UBND huyện Giao Thủy. Dự án đồng quản lý và chia sẻ lợi ích cộng đồng này đã được Bộ TN và MT ủng hộ được đánh giá là giải pháp khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án cũng phát sinh không ít những khó khăn do sự đan xen chồng chéo các lợi ích kinh tế. Đề án thí điểm này được xây dựng trên cơ sở hoạt động nuôi ngao đã có từ trước khi thành lập VQG Xuân Thủy và đang tiếp diễn từ khi thành lập đến nay mà chưa được quản lý cụ thể, cộng với lợi ích kinh tế từ nuôi ngao đem lại lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đã khiến việc thay đổi sang một cơ chế quản lý mới, nhằm hướng nguồn lực nhiều hơn vào bảo tồn thiên nhiên bền vững chưa được hưởng ứng tích cực.
Để khắc phục những khó khăn trên, lãnh đạo VQG Xuân Thủy đã phối hợp cùng UBND các xã vùng đệm, UBND huyện Giao Thủy tính toán mức đóng góp của người nuôi ngao ở mức hợp lý thay đổi tỷ lệ phân chia nguồn tài chính thu được cho các mục tiêu một cách hợp lý; thay đổi cách quản lý từ nguồn thu ngân sách xã, huyện sang nguồn thu cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng VQG.
Đến nay Dự án đã được thực thi, đã có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý, thiết lập hành lang pháp lý và mức thu thuế theo quy định đối với các hoạt động nuôi ngao, khai thác tiềm năng vùng đệm.
Người dân trực tiếp tham gia dự án cũng rất phấn khởi khi từ năm 2015 chính thức có cơ chế đồng quản lý tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm sản xuất. Với phương thức quản lý mới theo cơ chế “Đồng quản lý và chia sẻ lợi ích” sinh kế nuôi ngao quảng canh ở khu vực VQG đã được thực hiện một cách hợp pháp và hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển.
Để nghề nuôi ngao ngày càng phát triển, năm 2016, VQG Xuân Thủy sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tốt dự án, tư vấn kỹ thuật cho người nuôi ngao. Bên cạnh đó, VQG cũng bắt đầu triển khai mô hình khu bảo tồn ngao bản địa, tạo điều kiện cho người nuôi ngao gắn bó bền chặt hơn với nghề.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ