Mô hình kinh tế Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Ngày đăng 14/01/2015

Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm linh chi” được Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cát Tiên triển khai thí điểm tại xã Quảng Ngãi gần một năm nay. Hai hộ nông dân đầu tiên được chọn thí điểm mô hình trồng nấm linh chi là gia đình anh Nguyễn Hữu Cần và gia đình chị Lê Thị Hoài Nam (ở thôn 2, xã Quảng Ngãi).
Mỗi mô hình được triển khai trên diện tích 100m2nhà trồng nấm và được dự án hỗ trợ 2.000 bịch phôi nấm linh chi đỏ chủng Đà Lạt trọng lượng từ 1,0 - 1,2kg/bịch, đã cấy meo giống được 15 ngày. Hiện nay hai mô hình này đều đã thành công cho sản phẩm có thu nhập. Qua đó có thể nói nấm linh chi đang bén rễ trên vùng trũng Cát Tiên và bắt đầu được nhân rộng để tạo thêm ngành nghề mới nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Tuy mới trồng thí điểm nhưng hiệu quả mang lại từ cây nấm linh chi là rất rõ và nhiều hộ dân địa phương đang tìm hiểu, học hỏi để áp dụng. Chị Lê Thị Hoài Nam chia sẻ: “Trồng nấm linh chi không quá phức tạp, điều quan trọng là phải nắm được kỹ thuật nuôi trồng và thực hiện đúng quy trình phát triển của nấm.
Thời kỳ đầu là thời gian tơ nấm phát triển và hình thành quả thể, giai đoạn này cần chú ý tới nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, thời gian nuôi sợi nhiệt độ không khí thích hợp nhất cho linh chi là 20 - 23°C, tạo quả thể ở 22 - 28°C.
Độ ẩm cơ chất 60 - 62%, độ ẩm không khí dao động từ 80 - 95%. Kể từ ngày cấy giống đến khi rạch túi khoảng 50 ngày, hệ sợi nấm lan gần kín bịch phôi. Tiến hành tháo nút bông, khi quả thể nấm bắt đầu mọc từ nút bông thì ngoài việc tạo ẩm không khí, có thể tưới phun sương nhẹ vào túi nấm mỗi ngày từ 1 - 3 lần, tùy theo điều kiện thời tiết. Chế độ chăm sóc như trên được duy trì liên tục cho đến khi viền trắng trên viền mũ quả thể không còn nữa là hái được”.
Chị Hoài Nam cho biết thêm, sau thời gian nuôi trồng, với 2.000 bịch phôi nấm linh chi thí điểm trên diện tích 100m2, đã cho thu hoạch 55kg, với mức giá 500.000đ/kg, trừ hết chi phí thu lãi được khoảng 15 triệu đồng. Hiệu quả này là tín hiệu vui của nghề trồng nấm. Nếu được nhân lên trên 1.000m2 thì mỗi vụ cho lãi 150 triệu đồng, mỗi năm trồng được 3 vụ, như vậy sẽ cho thu nhập 450 triệu đồng/năm”.
Để phát triển nhân rộng nghề trồng nấm linh chi cho người dân, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 4 lớp tập huấn về kỹ thuật cho gần 100 lượt hộ nông dân tham gia. Nhiều hộ dân nơi đây cũng đang bắt đầu chuẩn bị mặt bằng, tìm nguồn phôi nấm để phát triển nghề trồng nấm linh chi.
Ông Nguyễn Bá Nhân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Cát Tiên chia sẻ: “Với việc trồng thí điểm thành công trên hai hộ gia đình chứng tỏ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây thích hợp với loài nấm này. Thông qua việc triển khai dự án cùng với việc mở các lớp tập huấn đã giúp bà con trong xã Quảng Ngãi tiếp cận và nắm bắt được kỹ thuật trồng nấm linh chi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để nhân rộng quy mô theo từng hộ gia đình trên xã Quảng Ngãi nói riêng và dần dần nhân rộng mô hình trên phạm vi của huyện.
Với sự thành công của hai hộ gia đình trồng thí điểm linh chi nói trên, có thể khẳng định nấm linh chi phát triển tốt ở địa phương. Tuy nhiên, băn khoăn của người dân là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trao đổi về vấn đề này ông Phan Quốc Chính, Chủ nhiệm dự án cũng cho biết: “Hiện nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh và cả ở TP Hồ Chí Minh thu mua nấm linh chi với số lượng ngày càng nhiều để bào chế dược liệu, chế biến thực phẩm chức năng. Nguồn cầu lớn hơn cung, sẽ tạo đầu ra ổn định và bền vững cho người trồng nấm. Đó là lí do Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ triển khai dự án ở nhiều địa phương trên tỉnh Lâm Đồng.
Như vậy với kết quả thí điểm thành công của mô hình trồng nấm linh chi tại xã Quảng Ngãi, Cát Tiên đang mở ra triển vọng cho người nông dân nơi đây để có thêm ngành nghề mới trong sản xuất nông nghiệp. Hi vọng các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để người dân nơi đây phát triển nghề trồng nấm linh chi một cách bền vững và nâng cao thu nhập đời sống.


Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà… Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô