Nấm Thái Dương triển vọng cho ngành nấm dược liệu ở Đồng Tháp
Lần đầu tiên nấm Thái Dương được Thạc sĩ Cổ Đức Trọng phát hiện mọc hoang tại Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười trong một chuyến đi khảo sát dược liệu do Công ty Domesco tổ chức vào khoảng tháng 9/2007. Nấm Thái Dương có màu nâu hồng, thịt ở mũ, trên mũ có những vảy nhỏ màu nâu sậm, đường kính mũ khi còn búp là 3 - 4cm, khi nở có thể đến 10cm, có vòng bao. Cuống nấm màu trắng, đường kính từ 1cm trở lên, cao 6 - 7cm. Cho đến nay chưa thấy ghi nhận nấm này mọc hoang ở nơi khác, kể cả các nước châu Á.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là lần đầu tiên phát hiện loại nấm này có ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Việc tìm thấy nấm Thái Dương tại Đồng Tháp cho thấy sự phong phú, đa dạng về sinh học cũng như tiềm năng về phát triển ngành nấm của tỉnh nhà.
Loại nấm này xuất hiện ngoài tự nhiên không phổ biến, lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil và hiện được trồng ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Theo các công trình nghiên cứu về nấm Thái Dương thì đây là một trong những loài nấm ăn được, xếp vào hàng có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt có giá trị dược tính cao trong việc hỗ trợ và điều trị các bệnh về gan, giúp ức chế việc hình thành khối u, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, giúp tăng cường hệ miễn dịch...
Dược sĩ – Chuyên khoa I Trần Thị Hồng Phượng, chủ nhiệm đề tài “Xây dựng quy trình nuôi trồng, nghiên cứu tác dụng dược lý và dạng bào chế thích hợp cho nấm Thái Dương” cho biết: “Với những đặc tính về dược lý quý giá của nấm Thái Dương, Công ty Domesco quyết định thực hiện một công trình nghiên cứu bài bản đối với loại nấm này, hơn nữa đây còn là lợi thế của địa phương.
Sau khi hoàn thiện các quy trình về nuôi trồng, phân tích, đối chứng về dược tính so với các sản phẩm nấm Thái Dương khác cho thấy nấm Thái Dương trồng tại địa phương có những đặc tính dược lý khá tương đồng so với các nghiên cứu được công bố trước đây trên thế giới. Từ những kết quả khả quan đó, nhóm thực hiện đề tài của Công ty Domesco còn hoàn thiện bằng sản phẩm thực phẩm chức năng chiết xuất từ nấm Thái Dương.
Những sản phẩm này có các công dụng chính như: giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể; giúp bảo vệ gan, hạn chế tổn thương tế bào gan do rượu và các hóa chất độc hại gây nên, hỗ trợ tăng cường chức năng gan trong các trường hợp viêm gan và men gan tăng cao; giúp giảm quá trình lão hóa cơ thể...
Hướng sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số công trình liên quan dựa trên nền tảng của đề tài lần này, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp, tăng giá trị gia tăng cho nấm dược liệu quý này”.
Giáo sư Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Ở Việt Nam không có nhiều công trình nghiên cứu về loại nấm dược liệu này. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên được thực hiện bài bản và tương đối đồng bộ về các quy trình như: thu thập mẫu nấm, chủng giống, định danh, xây dựng quy trình trồng, nghiên cứu tác dụng dược lý và bào chế sản phẩm. Đây là những thành công đầu tiên trong phát triển trồng nấm Thái Dương. Đơn vị nghiên cứu cần chuẩn hóa và hoàn chỉnh quy trình nuôi trồng nấm để sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh, hợp lý cho người tiêu dùng ở trong nước”.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, đề tài này mang tính thực tiễn cao, mở ra nhiều triển vọng mới trong việc phát triển ngành trồng nấm dược liệu ở địa phương. Góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời giúp tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn định cho các công ty dược liệu phát triển. Bên cạnh đó, với những kết quả nghiên cứu về dược tính của nấm Thái Dương mở ra những hi vọng mới về sử dụng các sản phẩm dược với giá cả cạnh tranh đối với các bệnh lý phổ biến như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ