Mô hình kinh tế Nan Giải Bài Toán Nuôi Tôm Công Nghiệp Tự Phát

Nan Giải Bài Toán Nuôi Tôm Công Nghiệp Tự Phát

Ngày đăng 23/04/2014

Nan Giải Bài Toán Nuôi Tôm Công Nghiệp Tự Phát

Cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng mạnh, phong trào nuôi tôm công nghiệp ồ ạt phát triển, dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất chung của huyện Cái Nước (Cà Mau).

Nuôi theo phong trào

Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước sẽ phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp 1.100 ha. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện lên đến hơn 1.500 ha, đạt 136% kế hoạch cả năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đã trở thành phong trào, lan rộng ở 11/11 xã, thị trấn trong huyện.

Xã Tân Hưng Đông là một trong những địa phương có diện tích tôm nuôi công nghiệp tự phát lớn nhất huyện Cái Nước. Đến thời điểm này, toàn xã có gần 200 ha nuôi tôm công nghiệp ngoài vùng quy hoạch. Các khu vực được đầu tư khép kín sản xuất lúa - tôm kết hợp như: ấp Trần Độ (xã Thạnh Phú), ấp Rạch Muỗi (xã Phú Hưng), ấp Tân Bửu (xã Tân Hưng), ấp Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông) cũng bị người dân thuê cơ giới đào ao để nuôi tôm công nghiệp.

Điều đáng quan tâm là có trên 80% số hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát đều nằm trong tình trạng thiếu vốn phải vay ngân hàng; thiếu hiểu biết kỹ thuật phải phó thác cho các cơ sở, đại lý cung ứng tôm giống, thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản chỉ vẽ theo kiểu trúng ăn, hụt chịu.

Những hệ luỵ

Trước hết, kết cấu hạ tầng lưới điện không bảo đảm cung ứng, dẫn đến các trạm biến áp bị sụt tải, nhiều địa phương nguồn điện chập chờn không bảo đảm sinh hoạt của Nhân dân; tình trạng mất điện do quá tải thường xuyên xảy ra. Nguồn điện không đáp ứng nhu cầu phục vụ chạy quạt tạo ô-xy cho nuôi tôm. Chính điều này nhiều nơi người dân làm liều, bất chấp nguy hiểm đổ keo dán sắt vào cầu dao, không cho cầu dao tự động ngắt điện khi quá tải.

Chi nhánh điện Cái Nước cho biết, 3 tháng đầu năm 2014, huyện có 30 trạm biến áp, công suất từ 15-50 KVA bị hư hỏng. Hiện tại, toàn huyện có 240/480 trạm biến áp do Điện lực Cái Nước quản lý nằm trong tình trạng quá tải, có thể hư hỏng bất cứ lúc nào.

Kế đến là diện tích nuôi tôm công nghiệp tự phát không chỉ phá vỡ quy hoạch sản xuất của huyện, mà nguy hại hơn do cùng một lúc diện tích nuôi tôm tăng cao và phân tán, trong khi hạ tầng thuỷ lợi không bảo đảm nên nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh do hộ nuôi tôm cải tạo sên vét ao đầm đổ thẳng ra sông rạch không qua xử lý.

Đáng e ngại là nguồn tôm giống không đáp ứng nhu cầu, chất lượng con giống không bảo đảm, trong khi đó người nuôi tôm không nắm vững quy trình kỹ thuật nên nguy cơ rủi ro sẽ rất cao, thiệt hại cho nông dân rất lớn.

Theo khảo sát của UBND xã Lương Thế Trân, vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của huyện, trong 193 ha nuôi tôm công nghiệp, vụ nuôi cuối năm 2013 chỉ có 43% có lãi, 39% huề vốn và 18% phải chịu thua lỗ. Tại ấp Tân Phú (xã Tân Hưng Đông), qua khảo sát kết quả thu hoạch của 3 hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát liền kề, chỉ có 1 hộ thu lãi hơn 15 triệu đồng, 1 hộ huề vốn, còn 1 hộ lỗ do tôm chết ở giai đoạn 2 tháng tuổi.

Qua đây cho thấy, nuôi tôm công nghiệp là mô hình siêu lợi nhuận nhưng cũng lắm rủi ro. Giấc mơ làm giàu từ nuôi tôm công nghiệp không phải ai cũng làm được.

Cần giải pháp khả thi

Từ đầu tháng tư đến nay, do tác động từ việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, thị trường tôm nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng nằm trong tình trạng biến động mạnh.

Tại huyện Cái Nước, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 20.000-40.000 đồng/kg. Có thời điểm, một số địa phương trong huyện, thương lái ngừng thu mua tôm thẻ chân trắng, không ít hộ nuôi tôm đạt trọng lượng 60 con/kg nhưng không thể lên hầm, phải dở khóc dở cười. Tâm lý hoang mang luôn đè nặng đối với hộ nuôi tôm công nghiệp.

Tình hình chung là vậy, nhưng hiện nay, nhiều nơi trong huyện Nhân dân vẫn tiếp tục đào ao mới với hy vọng giá tôm sẽ bình ổn trở lại. Sự quyết tâm nỗ lực của bà con nông dân trong lao động sản xuất để cải thiện đời sống là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, vì lợi ích trước mắt, không bảo đảm các điều kiện phát triển bền vững là thực trạng đáng báo động.

Để giải quyết bài toán nuôi tôm công nghiệp tự phát, vấn đề đặt ra hiện nay là, cấp có thẩm quyền và ngành chuyên môn phải đánh giá đúng thực trạng tình hình để có giải pháp khả thi cho xu thế phát triển mới theo quy luật khách quan, tránh những hậu quả đáng tiếc do sản xuất tự phát có thể xảy ra.

Trước mắt, tỉnh và huyện cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, Nhà nước đầu tư có trọng điểm kết cấu hạ tầng về điện, thuỷ lợi, gắn với đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật,… bảo đảm điều kiện cần thiết nhất cho Nhân dân sản xuất đạt hiệu quả.


Nông Dân Bạc Liêu Điêu Đứng Vì Tôm Thẻ Chân Trắng Nông Dân Bạc Liêu Điêu Đứng Vì Tôm… Nhà Vườn Khốn Khổ! Nhà Vườn Khốn Khổ!