Mô hình kinh tế Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long
Mô hình kinh tế Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long

Ngày đăng 26/11/2015

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thanh long

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Bình Thuận hiện có diện thanh long dẫn đầu cả nước với hơn 25.000ha, sản lượng hàng năm trên 500.000 tấn (chiếm 80% cả nước).

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 222 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; hơn 250 doanh nghiệp lớn nhỏ đăng ký hành nghề thu mua thanh long.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận đang có nhiều vấn đề nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cần quan tâm.

Hiện nay, thanh long được xuất khẩu trên 40 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 70% theo con đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ nội địa chưa được quan tâm chỉ chiếm 15 - 20%.

Mặt khác, diện tích thanh long tăng nhanh khiến việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn “khiêm tốn” so với tổng diện tích thanh long của cả tỉnh.

Bên cạnh đó, khâu thu mua, đóng gói để xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Nhiều nông dân còn lạm dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng của trái thanh long… Tại hội thảo Khoa học công nghệ do Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, người trồng thanh long trong tỉnh quan tâm việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào chế biến các sản phẩm từ thanh long.

Đồng thời, đề nghị tỉnh cần xem xét hỗ trợ, đầu tư các mô hình chế biến sản phẩm thanh long theo công nghệ cao góp phần tăng sức cạnh tranh, tiêu thụ quả thanh long.

Ngoài ra, nhiều nông dân trồng thanh long băn khoăn sản xuất theo VietGAP nhưng đầu ra thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

Sự lẫn lộn giữa sản phẩm VietGAP và không VietGAP khiến cho nông dân chưa “mặn mà” với chương trình này.

Nguyên nhân do người trồng thanh long VietGAP chưa hưởng được những chính sách ưu đãi đối với giá cả.

Giá cả thanh long còn tùy thuộc rất nhiều vào thị trường… Để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tìm kiếm thị trường tiêu thụ trái thanh long trong và ngoài nước theo hướng bền vững, cần những giải pháp đột phá và lâu dài phát triển thanh long theo chuỗi giá trị.

Theo đó, cần nghiên cứu thị trường trước tiên để biết rõ và cụ thể về khách hàng cần sản phẩm chất lượng, số lượng để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường với giá cạnh tranh.

Hỗ trợ, củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng loạt, tạo uy tín và kết nối đầu ra lâu dài.

Xây dựng mô hình liên kết dọc (nông dân - công ty) có sự hỗ trợ của công ty trong sản xuất và tiêu thụ… Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Bình Thuận cần thiết thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là cây thanh long.

Trước hết, thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, tiên tiến trong nông nghiệp vào sản xuất hình thành vùng nguyên liệu sạch.

Đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm quả thanh long theo thị hiếu, sở thích người tiêu dùng, góp phần tiêu thụ quả thanh long trong tình hình hiện nay”.


Giá cam tăng mạnh Giá cam tăng mạnh Xây dựng 40ha cánh đồng mẫu dưa bao tử Xây dựng 40ha cánh đồng mẫu dưa bao…