Mô hình kinh tế Nâng Cao Giá Trị Cho Cá Tra Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Nâng Cao Giá Trị Cho Cá Tra Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Ngày đăng 24/12/2013

Nâng Cao Giá Trị Cho Cá Tra Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long

Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội cá Tra Việt Nam kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL).

Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra những tồn tại gây trở ngại sự phát triển thị trường và giá trị của cá tra vùng ĐBSCL cũng như những đề xuất về giải pháp khắc phục nhằm hướng đến một thị trường xuất khẩu cá tra phát triển bền vững.

Hiện tại, xuất khẩu cá tra đang là thế mạnh riêng của Việt Nam, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân những năm gần đây tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra của nước ta phát triển chậm lại. Tính đến cuối tháng 11/2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL là 4.679ha, chỉ bằng 87% so cùng kỳ năm 2012.

Trong đó đã thu hoạch 3.638ha, sản lượng 1 triệu tấn (bằng 97,1% kế hoạch năm). Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2013 tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2012.

Để giải quyết những tồn tại trên, nhiều đề xuất về các giải pháp được nêu ra tại hội thảo. Trong đó, việc thành lập Quỹ xúc tiến thương mại cá tra được hình thành từ nguồn thu xuất khẩu cá tra, tổ chức truyền thông, xây dựng thương hiệu được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin đủ sức cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, minh bạch các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ cá tra; thể chế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi thông qua hợp đồng cũng như cơ chế tín dụng ngân hàng.

Đồng thời đề nghị ngân hàng hợp tác với ngành nghề cá trong xử lý nợ, phân tích và phân chia các nhóm doanh nghiệp để có phương án tái cấu trúc, phương án cho vay đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên.

Ông Võ Hùng Dũng nhấn mạnh thêm, ổn định diện tích nuôi cá tra trong 2 năm 2014 và 2015 được xem là biện pháp ngắn hạn để ổn định ngành cá. Tăng cường chất lượng cả 3 khâu: giống, nuôi và chế biến. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy nhu cầu, xây dựng hình ảnh thương hiệu, quảng bá, quảng cáo, mở các kênh tiêu thụ cũng là những nhiệm vụ cần thiết cần triển khai trong giai đoạn này.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep dự báo: tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 dự kiến giảm 5% so với năm 2013, do nguồn cá tra nguyên liệu trong nước giảm, nhiều khả năng giá cá xuất khẩu trong năm tới sẽ tăng nhẹ. Sản lượng cá tra xuất khẩu sang các thị trường truyền thống vẫn ổn định trong năm tới, do giá cả phải chăng nên cá tra vẫn là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.

Cũng theo ông Hòe, thị trường Trung Quốc sẽ có thể trở thành thị trường hấp dẫn khi có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2013 đạt mức 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, với mức xuất khu trung bình khoảng 4.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, do độ an toàn trong thanh toán còn thấp, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch có thể vẫn chưa có đột biến nhiều trong năm 2014.


Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Lúa - Tôm Càng Xanh Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Lúa -… Nuôi Tôm Bền Vững Theo Mô Hình Vietgap Nuôi Tôm Bền Vững Theo Mô Hình Vietgap