Trồng lúa Nâng Cao Hiệu Quả Bón Phụ Phẩm Khí Sinh Học Cho Lúa Mùa

Nâng Cao Hiệu Quả Bón Phụ Phẩm Khí Sinh Học Cho Lúa Mùa

Ngày đăng 03/08/2013

Nâng Cao Hiệu Quả Bón Phụ Phẩm Khí Sinh Học Cho Lúa Mùa

Hiện nay, công nghệ khí sinh học mà bà con quen gọi là biogas đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Công nghệ này không những giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội quan trọng như: sử dụng khí làm chất đốt, thắp sáng, chạy bình nóng lạnh, sưởi ấm cho gia súc và đặc biệt sử dụng phụ phẩm từ công trình biogas để làm phân bón cho cây trồng rất hiệu quả và có thể coi như loại phân hữu cơ sạch.

Phụ phẩm là sản phẩm thứ hai của thiết bị khí sinh học, việc khai thác và sử dụng phụ phẩm khí sinh học có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng khí. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng phụ phẩm một cách toàn diện sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Phụ phẩm khí sinh học có 2 dạng: nước thải lỏng, gồm các chất hoà tan, lơ lửng và phụ phẩm đặc, là phần lắng đọng ở đáy thiết bị. Các thiết bị khí sinh học quy mô nhỏ hoạt động theo kiểu nạp liên tục hàng ngày nên nước thải lỏng được đẩy ra thường xuyên với số lượng bằng lượng phân nạp vào công trình. Phụ phẩm đặc nằm trong thiết bị và được định kỳ lấy đi.

Cả hai loại phụ phẩm khí sinh học lỏng và đặc đều có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc qua chế biến. Căn cứ vào đặc tính của hai loại phụ phẩm khí sinh học, về nguyên tắc sử dụng, thông thường phụ phẩm lỏng chủ yếu dùng để bón thúc, phụ phẩm đặc chủ yếu dùng để bón lót.

Sau đây là kỹ thuật bón cho lúa.

1. Bón lót: Sử dụng chủ yếu là bã cặn đặc.

- Tác dụng cung cấp dinh dưỡng lâu bền cho cây lúa.

- Có thể sử dụng phụ phẩm lấy từ công trình khí sinh học ra bón ngay hoặc đã thông qua chế biến.

- Để tránh sự mất đạm cũng như tạo điều kiện cho quá trình phân giải tiếp chất hữu cơ cần vùi sâu phụ phẩm vào đất. Tốt nhất là bón lên ruộng trước khi cày, sau đó cày đất lấp vùi phân.

- Lượng bón: 10-15 tấn/ha, tương đương với 360-500 kg/sào (nếu không có các loại phân hữu cơ khác bón thêm) hoặc 5-7 tấn/ha tương đương với 180-250kg/sào (nếu có bón thêm các loại phân hữu cơ khác).

2. Bón thúc: Sử dụng chủ yếu là phụ phẩm lỏng.

- Tác dụng cung cấp dinh dưỡng ngay cho cây lúa vì phụ phẩm lỏng chứa nhiều chất dinh dưỡng dễ hoà tan, cây lúa có thể hấp thu trực tiếp ngay.

- Phụ phẩm lỏng có thể lấy ngay từ công trình khí sinh học đem ra bón cho ruộng lúa.

* Bón tốt nhất vào 2 thời kỳ sau:

+ Lúa đẻ nhánh: thời kỳ lúa đẻ nhánh cần bón sớm, khi lúa bắt đầu đẻ nhánh để lúa đẻ tập trung, nhánh hữu hiệu nhiều.

+ Lúa làm đòng: thời kỳ lúa làm đòng có thể bón đón đòng và nuôi đòng. Tốt nhất là bón vào thời kỳ làm đòng.

- Lượng bón có thể từ 10-20 m3/ha phụ phẩm lỏng (0,4-0,7 m3/sào) pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1.

* Chú ý: sau khi bón xong cần làm cỏ sục bùn để cây lúa dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng.

Ngoài ra cũng có thể dùng phụ phẩm lỏng khí sinh học làm phân bón trực tiếp lên lá cho lúa. Phương pháp tiến hành như sau:

+ Lọc hết cặn khỏi bã lỏng (làm cho nước không vẩn đục).

+ Sau khi lọc xong cần để cho nước lắng đọng một lần nữa.

Sử dụng phần nước trong ở trên cho vào bình phun và phun đều lên lá cây.

3. Bón phối hợp với phân vô cơ:

Mục đích của việc sử dụng phụ phẩm bón với phân vô cơ (phân hoá học) nhằm:

- Đáp ứng sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cây khi phụ phẩm khí sinh học chưa kịp cung cấp.

- Làm tăng độ hoà tan và hấp thu phân bón hoá học của đất.

- Hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Kết quả khi bón phối hợp hiệu suất sử dụng NPK tăng lên 10-30% so với hiệu suất sử dụng phân ban đầu.

- Thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giữ phân cho đất, làm đất tơi xốp, không bị "chai" do bón nhiều phân hoá học.

- Giảm nhẹ đầu tư chi phí cho phân hoá học, ngăn ngừa sự phá huỷ cấu trúc của đất do bón nhiều phân hoá học, bảo vệ môi trường. Cuối cùng làm tăng năng suất cây trồng từ 15-20%.


Diệt Ốc Bươu Vàng Và Chuột Diệt Ốc Bươu Vàng Và Chuột Kinh Nghiệm Chăm Sóc Lúa Mùa Kinh Nghiệm Chăm Sóc Lúa Mùa