Mô hình kinh tế Nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa trước tác động biến đổi khí hậu

Nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa trước tác động biến đổi khí hậu

Tác giả Thành Công, ngày đăng 31/10/2016

Nâng cao hiệu quả mô hình tôm - lúa trước tác động biến đổi khí hậu

Mô hình luân canh tôm - lúa ở ĐBSCL được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp “thông minh” do có thể trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô. Tuy nhiên, đến nay mô hình này chưa phát huy tối đa hiệu quả vốn có và phát triển chưa ổn định do hiệu quả sản xuất chưa cao và chịu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, để mô hình tôm - lúa phát triển bền vững cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là nội dung chính tại Hội thảo về phát triển tôm - lúa vừa được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tại Thành phố Cần Thơ.

Chưa phát huy hết hiệu quả

Ông Ngô Công Chính, Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) cho biết: Sơ khai của hệ thống tôm - lúa đã hình thành từ năm 1970 với việc người dân thu tôm giống tự nhiên (tôm bạc, tôm đất…) vào ruộng từ các con nước trong mùa khô khi việc sản xuất lúa không hiệu quả tại các vùng ven biển. Tôm sú được đưa vào ruộng nuôi bắt đầu từ những năm 1990 là kết quả thành công tôm giống trong điều kiện sản xuất nhân tạo. Sự chủ động về nguồn giống tôm thả nuôi cùng việc xuất khẩu tôm được mở ra và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ tôm đã thúc đẩy nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có mô hình tôm - lúa phát triển.

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cùng với quá trình xâm nhập mặn, nuôi tôm - lúa là hình thức nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh ở ĐBSCL. Nếu như năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa chỉ khoảng 71.000 ha thì đến năm 2014 tổng diện tích nuôi tôm – lúa của vùng đã đạt 152.977 ha, chiếm 27,98% diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng. Sản lượng tôm nuôi từ hệ thống tôm - lúa năm 2014 ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL và 11% sản lượng tôm nuôi cả nước. Các tỉnh nuôi tôm - lúa có diện tích lớn là Kiên Giang (71.000), Cà Mau (43.297 ha), Bạc Liêu (28.285 ha), Sóc Trăng (7.581 ha). 

Hàng năm, 01 ha tôm - lúa có thể sản xuất 300 - 500 kg tôm và 4 - 7 tấn lúa. Nuôi tôm lúa là hình thức nuôi trồng được đánh giá là mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm và mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không có khả năng trồng lúa quanh năm.

Theo đánh giá của AMDI, hệ thống tôm - lúa là phương thức canh tác hiệu quả không chỉ về kinh tế mà còn là phương thức canh tác bền vững, có ý nghĩa nhiều mặt. Tuy nhiên, xu thế nước biển dâng cao, sự xâm nhập mặn sâu hơn, mùa khô kéo dài, nắng nóng hơn, mùa mưa ngắn hơn, lượng mưa ít, cộng với việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê-Công đang và sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững của hệ thống tôm - lúa nói riêng ở ĐBSCL. Nhiều vùng nuôi tôm - lúa được coi là đạt tiêu chí an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, được các nhà máy chế biến, người tiêu dùng ưa thích về chất lượng nhưng người dân chưa nhận được giá trị gia tăng từ chất lượng sản phẩm, tôm thương phẩm chưa có thương hiệu.

Giải pháp phát triển bền vững

Để phát triển tôm lúa theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động to lớn đến vùng ĐBSCL, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đề xuất: Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm cho đánh giá lại các vùng canh tác lúa, tôm - lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để kịp thời có giải pháp điều chỉnh nông nghiệp, thủy sản vùng ĐBSCL theo hướng phát triển hiệu quả và bền vững.

Về các giải pháp cụ thể, AMDI cho rằng: Mô hình tôm - lúa có nuôi tôm giống, cua giống trước khi thả nuôi mang lại hiệu quả rõ rệt cần được mở rộng. Tuy nhiên để nông dân ương giống có hiệu quả cần các hướng dẫn, tập huấn chi tiết về các chỉ tiêu diện tích ương, thiết kế ao ương, mật độ thả, chế độ chăm sóc, thời gian ương… Mô hình thả nuôi nhiều loài (tôm sú, cua biển) trong vụ nuôi tôm và thả xen tôm càng xanh trong vụ lúa cũng nên được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên để tối ưu hiệu quả của mô hình này cần nghiên cứu tỷ lệ thả ghép tối ưu trong các điều kiện môi trường khác nhau. 

Mô hình ương tôm giống trước khi thả nuôi trong mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả rõ rệt như nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí giống, tăng năng suất tôm nuôi nên cần được nhân rộng cho toàn vùng. Để nhân rộng các mô hình có hiệu quả cần triển khai các mô hình ở phạm vi rộng, ngoài các mô hình trình diễn, tổ chức đào tạo, tập huấn thì việc có đội ngũ khuyến ngư viên trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật với người dân là rất quan trọng.

Chính sách hỗ trợ sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho vùng tôm - lúa cần được áp dụng. Chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền cho nông dân trồng lúa theo quy định của Nghị định 42/2012/NĐ-CP hạn chế về hiệu quả nên thay đổi theo hướng căn cứ vào diện tích trồng lúa ở từng cộng đồng, từng vùng, khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cộng đồng xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ nuôi tôm, trồng lúa có hiệu quả.

Cần có biện pháp quản lý khắc phục tình trạng tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch đang khá phổ biến ở vùng tôm - lúa ở vùng ĐBSCL. Ngoài việc nâng cao năng lực các cơ sở dịch vụ kiểm dịch, tăng cường kiểm soát các cơ quan quản lý về chất lượng tôm giống, việc thay đổi phương thức quản lý chất lượng tôm giống là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu tạo ra các giống lúa có thể phát triển tốt ở độ mặn trên 5‰.

Mạng lưới quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có vùng tôm lúa cần được củng cố, nâng cao năng lực. Để nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng vào vùng tôm - lúa cần có một quy hoạch lâu dài sử dụng đất toàn vùng ĐBSCL được thống nhất cao giữa các ngành, các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng thủy lợi. Quy hoạch hạ tầng thủy lợi phải xem xét đến biến đổi khí hậu và phát triển các vùng trung, thượng lưu sông Mê Công.

Cần đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng tôm - lúa. Các hợp tác xã với mô hình cánh đồng mẫu lớn tôm - lúa sẽ khắc phục được các hạn chế do ảnh hưởng của tập quán sản xuất nhỏ lẻ. Tổ chức liên kết giữa nông dân sản xuất tôm - lúa với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư sản xuất, với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả.

Tôm nuôi ở vùng tôm - lúa có chất lượng, nhu cầu thị trường cao nhưng chưa có thương hiệu nên cần xây dựng 01 thương hiệu tôm - lúa cho toàn vùng ĐBSCL trên thị trường thế giới. Xây dựng thương hiệu tôm, quảng bá hình ảnh, phát triển thị trường là công việc bền bỉ, có kế hoạch, mục tiêu nhất quán, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước từ các quy định pháp lý đến chính sách, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường…

Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trương phát triển mở rộng diện tích và nâng cao hơn nữa hiệu quả tôm - lúa. Theo kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, diện tích tôm - lúa vùng ĐBSCL năm 2020 đạt 200.000 ha, sản xuất 100.000 tấn tôm và năm 2030 đạt 250.000 ha, sản xuất 125.000 - 150.000 tấn tôm, với giá trị có thể đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 01 triệu lao động. Tuy nhiên, phát triển hệ thống tôm - lúa vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu.


Gạo vuông tôm và cơ hội đến thị trường Gạo vuông tôm và cơ hội đến thị… Trở thành triệu phú nhờ trồng cam Sành Trở thành triệu phú nhờ trồng cam Sành