Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý Thủy Lợi Nhìn Từ Thanh Sơn
Năm 2008, Chính phủ đã có Nghị định 115, miễn thủy lợi phí cho nông dân, đồng thời cấp bù để duy trì hoạt động tưới, tiêu. Quá trình thực hiện chủ trương này, hoạt động dịch vụ thủy lợi trên địa bàn ngày càng thuận lợi, đã tác động tích cực tới sản xuất nông nghiệp. Song, để chính sách thực sự mang lại hiệu quả, giúp cho nông nghiệp khai thác được mọi lợi thế phát triển, nông dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi, cần tiếp tục đổi mới hơn nữa việc quản lý, sử dụng thủy lợi phí.
Năm đầu tiên thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, số diện tích hoàn tất thủ tục được thụ hưởng chính sách cấp bù thủy lợi phí mới có 30.100ha, số kinh phí cấp 13,4 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở số diện tích do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý, đến năm 2010 nâng lên 75.243ha, kinh phí 63,6 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến diện tích đưa vào quản lý gần 90 ngàn ha, kinh phí đề nghị cấp gần 100 tỷ đồng.
Để thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, Nhà nước cấp bù kinh phí để củng cố, xây dựng bộ máy quản lý. Đối với mảng dịch vụ Nhà nước, trực tiếp thực hiện là Công ty TNHH nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi (Công ty thủy nông). Từ khi triển khai chủ trương miễn thủy lợi phí cho nông dân, công ty không ngừng mở rộng tiếp nhận diện tích phục vụ.
Năm 2008, công ty tiếp nhận phục vụ gần 22,8 ngàn ha, đến năm 2010 đã nâng lên trên 23,77 ngàn ha, năm 2014 là gần 40 ngàn ha. Trước đây công ty chỉ giới hạn quản lý ở 10 huyện, thành, thị; sau khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí đã mở rộng thêm diện tích phục vụ ở địa bàn đã có, đồng thời thành lập thêm ba đơn vị quản lý mới ở Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng. Các dịch vụ thủy lợi do công ty quản lý luôn đảm bảo chất lượng cao hơn so với tập thể và tư nhân điều hành.
Qua các vụ hạn hán, úng lũ, công ty đã đầu tư, thuê thêm máy bơm, lập trạm bơm dã chiến... tải nước từ hồ đập, sông, ngòi lên tưới phục vụ cấy hết diện tích; khi có úng ngập đảm bảo tiêu kịp thời, hạn chế thấp nhất do úng ngập. Đặc biệt những công trình đầu mối, kênh mương do công ty quản lý luôn được duy tu, bảo dưỡng đúng quy trình, hạn chế những hư hỏng do thiếu trách nhiệm.
Mỗi năm công ty chi phí khoảng trên 20%, tương đương trên chục tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa công trình. Thông qua thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí cho nông dân, công ty còn giảm chi phí nhân lực thu thủy lợi phí, có điều kiện cải thiện đời sống cán bộ, công nhân và đầu tư nâng cấp công trình. Năm 2014 công ty đã được công nhận là doanh nghiệp loại I.
Tại huyện Thanh Sơn, từ quy mô trên 700ha, đến nay công ty đã nâng lên quản lý 2.300ha, tương đương 7.500ha cả năm. Hiện nay đã có 22/23 xã, thị trấn (trừ xã Võ Miếu chưa bàn giao) còn lại các xã đều đã bàn giao hoạt động thủy nông về công ty.
Với quy mô công trình lên tới trên 220 hồ đập, 5 trạm bơm, 60 đập dâng, 280km kênh mương, hệ thống thủy lợi dải ra khắp địa bàn.Trao đổi với chúng tôi ông Lê Quang Hồng, Trạm trưởng thủy nông Thanh Sơn cho biết: Do đặc thù huyện miền núi nên số lượng công trình hầu hết nhỏ, lẻ, chỉ có vài hồ đập dung tích chứa 7-8 triệu m3 nước phục vụ tưới vài trăm ha như: Đá Mài, Tam Thắng...; còn lại hầu hết là hồ đập nhỏ vài trăm ngàn m3, tưới trên dưới chục ha.
Hơn một nửa công trình đầu mối thuộc diện đập đất, công trình tạm. Trong 280km kênh mương mới có 40% kiên cố hóa, 40% kênh đất còn lại 20% xuống cấp, nên hàng năm chi phí tu sửa rất lớn. Mỗi vụ trạm phải đầu tư chi phí nạo vét, đào đắp trên 10 ngàn m3 mới đảm bảo phục vụ tưới. Một đặc thù rất khác với các huyện đồng bằng, trung du là các công trình quy mô đã nhỏ lại phân tán.
Nhiều xã có bốn năm hồ đập, nhưng phải phục vụ tưới toàn bộ, tức là thủy nông phải đưa nước đến tận ruộng chứ không chỉ đến đầu kênh như vùng ngoài, trạm phải huy động tới trên 60 cán bộ, công nhân thành lập 6 cụm thủy nông. Ngoài ra, một số địa bàn nhỏ lẻ, trạm phải hợp đồng trực tiếp với khu, xóm để quản lý, vận hành nên tăng chi phí quản lý.
Tuy có khó khăn nhưng qua các năm, hiệu quả phục vụ các địa bàn do trạm quản lý tốt hơn do cán bộ có trách nhiệm, có quy trình quản lý đầu mối, tu sửa kênh mương kịp thời, có quy trình vận hành phù hợp. Ngay ở những địa bàn phải hợp đồng với địa phương quản lý, vận hành, người phục vụ cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo yêu cầu của trạm.
Từ đó khắc phục được tình trạng phó mặc để người có ruộng tự xoay xỏa như một số vụ trước đây… Đặc biệt, khi quản lý tập trung, trạm và công ty có điều kiện điều tiết phân bổ lấy kinh phí ở nơi thuận lợi đầu tư chi phí thấp hỗ trợ cho nơi khó khăn, tu sửa kênh mương đầu mối kịp thời. Riêng năm 2014, trạm đã được công ty bố trí cho hơn 1 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp các công trình.
Trái với dịch vụ do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi đảm nhiệm, mảng dịch vụ của các xã lại rất phân tán. Trong số các HTX đang hoạt động chỉ có khoảng 30% số HTX có thời gian hoạt động từ những năm 2000, còn lại chủ yếu mới thành lập khi có chính sách miễn thủy lợi phí, chuyển chức năng từ HTX dịch vụ điện năng sang.
Do vậy bộ máy chắp vá, cán bộ chưa qua đào tạo, kế hoạch và nghiệp vụ chuyên môn đều non kém nên quản lý chuyên môn không đảm bảo; hầu hết không huy động nguồn thủy lợi phí để đầu tư, tu sửa, nâng cấp hệ thống, quản lý tài chính bất cập, xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu kiện.
Một số HTX đã bị xử lý hành chính, có HTX cán bộ quản lý bị truy tố vì sử dụng sai mục đích nguồn cấp bù thủy lợi phí. Nguyên nhân khách quan do các HTX quản lý các công trình đầu mối, kênh mương hầu hết ở nơi khó khăn, công trình tạm nhỏ lẻ, diện tích phục vụ ít, nên số kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí không được nhiều, gặp khi xảy ra thiên tai, làm hư hỏng công trình HTX, khu xóm không đủ kinh phí sửa chữa, hơn nữa muốn nâng cấp mở rộng quy mô càng khó khăn. Nguyên nhân chủ quan do trình độ quản lý của cán bộ hạn chế, thiếu trách nhiệm, quản lý tài chính không minh bạch, đúng thủ tục.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thủy lợi, thời gian tới, bên cạnh việc củng cố, phát triển hoạt động của Công ty TNHH một thành viên, cần đẩy mạnh công tác bàn giao.
Trước mắt là những công trình liên xã, liên xóm, hướng tới có thể xem xét bàn giao toàn bộ để công ty đảm nhiệm. Thời gian qua, một số địa phương có nêu ra lý do địa bàn, rồi đặc thù để giữ lại một số diện tích cho HTX quản lý. Thực chất đây chỉ là cái cớ nhằm có thêm nguồn tài chính.
Khó khăn như Thanh Sơn mà doanh nghiệp vẫn quản lý tốt thì không có lý do gì địa bàn khác thuận lợi hơn không thể bàn giao được! Thực tế một số tỉnh xung quanh Phú Thọ khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí đều thực hiện quản lý tập trung. Làm như vậy không chỉ đảm bảo dịch vụ tốt hơn, người có quyền lợi được thụ hưởng mà còn góp phần quản lý nguồn tài chính hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thuy-loi-nhin-tu-thanh-son-2378656/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ