Mô hình kinh tế Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản

Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản

Ngày đăng 01/11/2013

Nâng Cao Năng Suất, Giá Trị Thuỷ Sản

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Bắc Giang rất lớn. Nếu khai thác diện tích mặt nước hợp lý kết hợp đưa giống mới, đầu tư thâm canh, gối vụ thì năng suất, giá trị thuỷ sản sẽ cao hơn rất nhiều.

Tiềm năng rộng mở

Như đã đề cập, Bắc Giang là tỉnh trung du, miền núi nhưng có tiềm năng phát triển thuỷ sản. Ngoài hơn 12 nghìn ha mặt nước đang được khai thác nuôi trồng thuỷ sản còn khoảng 10 nghìn ha hồ đập, sông suối cũng có thể nuôi thả cá. Sản xuất thủy sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, một số địa phương đã hình thành các vùng nuôi thả cá tập trung theo mô hình trang trại nuôi thủy sản thâm canh có hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển thuỷ sản được triển khai như công tác khuyến ngư, hỗ trợ chuyển đổi ruộng trũng, xây dựng mô hình điểm trình diễn, tập huấn, tuyên truyền… giúp người nuôi cá trong tỉnh làm chủ kỹ thuật và tăng hiệu quả sản xuất. Lực lượng lao động phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh khá dồi dào, có nhiều kinh nghiệm quý được đúc rút trong thực tế sản xuất. Nông, ngư dân Bắc Giang có truyền thống lao động cần cù, chịu khó, ham học hỏi, mong muốn làm giàu trên đồng đất quê hương.

Không chỉ có vậy, Bắc Giang có vị trí địa lý liền kề các khu kinh tế, các TP lớn, hệ thống giao thông đến các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên... nên có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm thuỷ sản sang các tỉnh bạn hoặc xuất khẩu. Lợi nhuận kinh tế trung bình đối với sản xuất thủy sản thâm canh ước khoảng 80-100 triệu đồng/ha, thời gian quay vòng vốn nhanh (trung bình 2-3 vụ/năm).

Giá bán sản phẩm thủy sản ổn định hơn nhiều so với các sản phẩm nông nghiệp khác; rủi ro thấp (dịch bệnh ít xảy ra, nếu có chỉ vào một số tháng mùa hè). Việc đầu tư cơ sở hạ tầng của người nuôi cá trong tỉnh trong việc sửa bờ ao, nâng cấp cống cấp, thoát nước đã hạn chế sản lượng thủy sản thiệt hại do bão lũ.

Việc sinh sản, nhân giống thành công nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao gồm: lăng chấm, anh vũ, trắm đen, nuôi thử nghiệm thành công cá tầm… mở ra triển vọng lớn trong việc nâng cao giá trị ngành thuỷ sản nếu cơ cấu tỷ lệ giống cá đưa vào nuôi thả hợp lý.

Một số giải pháp

Với tiềm năng, lợi thế đó, nâng cao năng suất, giá trị thủy sản nhằm tiếp tục thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp mà các cấp, các ngành đề ra. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: Lạng Giang hiện có 970 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích chuyên canh 680 ha còn lại là diện tích nuôi cá - lúa kết hợp.

Trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng thuỷ sản trong quy hoạch nông thôn mới của các xã, huyện sẽ nghiên cứu, có kế hoạch hỗ trợ xây dựng một số mô hình nuôi cá thâm canh cao, từ đó nhân ra diện rộng, đồng thời đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, củng cố, nâng cao vai trò của tổ hợp tác và các hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.

Kinh nghiệm sản xuất thuỷ sản từ một số tỉnh cho thấy, với điều kiện như nhau có hai mô hình nuôi cá thâm canh nông dân Bắc Giang có thể áp dụng. Đó là mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng công nghiệp tại tỉnh Hải Dương, thời gian nuôi 5-6 tháng/vụ, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp và một số loại hóa chất, chế phẩm sinh học nhằm xử lý cải tạo môi trường nước, phòng trị bệnh, tăng sức đề kháng và khả năng chuyển hóa thức ăn giúp cá tăng trưởng nhanh. Kết quả, năng suất nuôi bình quân 15 tấn/ha/vụ nuôi; doanh thu hằng năm đạt từ 650 đến 900 triệu đồng/ha (hai vụ nuôi), lợi nhuận đạt từ 200 đến 250 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi cá lồng tại hồ chứa của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng có thể áp dụng được ở Bắc Giang bởi tỉnh ta có gần 4 nghìn ha diện tích hồ chứa môi trường sinh thái thuận lợi cho nuôi thủy sản. Đối tượng nuôi chính là trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi), cá lăng, cá chiên…

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: "Thực tế sản xuất cho thấy, để nâng cao năng suất, giá trị thuỷ sản cần khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tới việc chủ động tiêu thụ sản phẩm... Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là đưa giống cá có năng suất cao, chất lượng tốt vào nuôi thả".

Theo đó, Nhà nước nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sinh sản nhân tạo các loài cá nhằm nâng cao chất lượng giống thủy sản, ương nuôi đủ lượng cá giống các loại phục vụ nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Hướng tới mục tiêu đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ cho chủ các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản tư nhân; tiến hành bình tuyển đàn cá bố mẹ và có kế hoạch thay thế tại các cơ sở này.

Một vấn đề nữa là mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh năng suất cao, từng bước phát triển diện tích nuôi thuỷ sản an toàn sinh học theo hướng VietGAHP; phát triển có định hướng việc nuôi con đặc sản như: Ba ba, cá sấu... bảo đảm mối liên hệ giữa cung và cầu. Nuôi ghép nhiều loài cá theo tỷ lệ hợp lý là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, giá trị thuỷ sản. Có nghĩa là trên một diện tích mặt nước cần xác định loài cá chủ lực (chiếm khoảng 70%), còn lại là các giống cá phụ khác để khai thác hiệu quả các tầng nước thích nghi với từng loài.

Kết hợp chăn nuôi với sản xuất thuỷ sản cũng là khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm tận dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, cần xử lý, sử dụng chất thải chăn nuôi hợp lý tránh ô nhiễm môi trường nuôi thả gây bệnh cho cá. Một vấn đề quan trọng khác là ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch thuỷ sản đến năm 2020. Trên cơ sở đó có chính sách khuyến khích, hướng dẫn người dân đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và thiệt hại khi có mưa bão lớn xảy ra.

Cùng với các biện pháp trên, UBND tỉnh nên rà soát, chỉ đạo hoàn thiện, thống nhất cơ cấu tổ chức và bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; bố trí cán bộ làm công tác thú y thuỷ sản tại các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Người nuôi trồng thuỷ sản chủ động sản xuất, tham vấn ý kiến và tuân thủ nghiêm hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, không dùng các chất bị cấm sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản như cải tạo ao, điều trị bệnh, thải nước có mầm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý.

Mục tiêu đề ra đến năm 2015 là đưa diện tích nuôi cá thâm canh toàn tỉnh đạt 1,2 nghìn ha, bán thâm canh 2,3 nghìn ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 29-30 nghìn tấn.


Hướng Đến Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững Hướng Đến Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững Tôm Càng Xanh Trúng Lớn Tôm Càng Xanh Trúng Lớn