Nâng cao thu nhập từ khóm Tắc Cậu
Ngoài bán khóm nguyên liệu, người dân xã Bình An, H.Châu Thành (Kiên Giang) đã mạnh dạn chế biến các sản phẩm từ khóm phục vụ người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập.
Nhờ kinh doanh các sản phẩm từ khóm, nông dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: Anh Phương
Thu lời gấp 3 - 4 lần
Những năm gần đây, khóm Tắc Cậu, một loại đặc sản của xã Bình An, được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Bên cạnh việc bán khóm tươi như trước đây, người dân xã Bình An còn dùng khóm để chế biến các loại bánh, mứt kiếm thêm thu nhập. Với 3,5 ha trồng khóm Tắc Cậu, chị Huỳnh Ngọc Thu (ngụ ấp An Thành, xã Bình An) có nguồn thu không nhỏ từ bán khóm nguyên liệu và các sản phẩm làm từ khóm. Chị Thu cho biết để làm 1 kg mứt khóm cần khoảng 10 trái khóm nguyên liệu. Bình quân mỗi trái khóm bán cho thương lái từ 5.000 - 6.000 đồng, nhưng khi chế biến thành mứt hoặc bánh sẽ có giá từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, tính ra thu lời gấp 3 - 4 lần.
“Nhiều nông dân trồng khóm nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường đã chế biến thành công các sản phẩm từ khóm; qua đó góp phần nâng cao mức sống, giữ vững tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới” Ông Lục Đức Long
Hằng năm, vào khoảng tháng 10 âm lịch, vợ chồng chị Thu bắt đầu thu gom khóm để làm bánh, mứt theo đơn đặt hàng. “Bánh, mứt khóm chế biến theo phương pháp thủ công, giữ được hương vị thơm ngon của khóm Tắc Cậu nên khách hàng biết đến ngày càng nhiều. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài cung cấp cho các mối quen trong tỉnh, tôi còn bán đi Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP.HCM”, chị Thu nói. Trung bình mỗi tháng, chị bán khoảng 50 kg cho các tiểu thương trong huyện, còn dịp tết, số lượng tăng lên 250 - 300 kg, giúp chị thu lời từ 30 - 40 triệu đồng.
Khóm khô được ưa chuộng
Nắm bắt nhu cầu khách hàng, vợ chồng ông Dư Mộc Hòa (cùng ngụ ấp An Thành) vừa trồng khóm vừa chế biến khóm khô để bán. Theo ông Hòa, từ khi cầu Cái Lớn, Cái Bé xây xong, khách đi qua xã ngày càng đông nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ khóm tăng cao. Chế biến khóm nguyên liệu thành khóm khô giúp bảo quản khóm lâu hơn và tận dụng được nguồn khóm tươi không đạt chuẩn. Ông Hòa cho biết: “Khóm dạt là khóm không đẹp mã nhưng thường có vị rất ngọt. Vợ chồng tôi gọt vỏ, cắt thành miếng, lát mắt, phơi khô rồi đóng gói bán cho du khách gần xa”. Ông thường làm khóm khô từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch vì thời điểm này nắng tốt, khóm không bị ẩm và có hương vị thơm ngon hơn. Hằng năm, ông cung cấp ra thị trường từ 200 - 250 kg khóm khô, với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg. Vào dịp tết, số lượng tiêu thụ tăng đột biến nên sau mỗi vụ, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng.
Theo ông Lục Đức Long, cán bộ nông nghiệp xã Bình An, hiện xã có gần 30 hộ vừa trồng khóm Tắc Cậu vừa chế biến các sản phẩm từ khóm cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm, góp phần nâng các tiêu chí đã đạt được lên 14/19 tiêu chí. “Nhiều nông dân trồng khóm nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường đã chế biến thành công các sản phẩm từ khóm; qua đó góp phần nâng cao mức sống, giữ vững tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới”, ông Long cho biết
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ