Nâng chất lượng tôm giống từ cộng đồng
Hiện giá tôm tăng cao, người nuôi phấn khởi. Ngoài yếu tố thời tiết có nhiều thuận lợi thì chất lượng con giống cũng góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, để tạo sự bền vững và gia tăng giá trị hơn nữa, việc đầu tư nâng tầm chất lượng con giống là yếu tố không thể bỏ qua.
Quản lý chất lượng tôm giống giúp tăng hiệu quả vụ nuôi Ảnh: Phan Thanh Cường
Để con giống chất lượng
Theo các chuyên gia, để có được tôm giống chất lượng, các trại sản xuất tôm giống cần đáp ứng 5 yếu tố: Nguồn tôm bố mẹ tốt, bảo đảm khả năng sản xuất giống tốt; Trại giống bảo đảm điều kiện an toàn về mặt sinh học; Nguồn nước phục vụ sản xuất tôm giống phải đảm bảo và được xử lý kỹ không để ô nhiễm; Thức ăn cho tôm giống có chất lượng cao; Sử dụng các vi sinh, không dùng kháng sinh, hóa chất trong quá trình sản xuất tôm giống. Ngoài ra, cần có chính sách chấn chỉnh tình trạng lưu hành, sử dụng tôm bố mẹ, tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm nghiệm, khảo nghiệm; có cơ chế truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu để ngăn chặn sản phẩm chất lượng kém, nguồn tôm bố mẹ và tôm giống nhập lậu.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (1 trong 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết), sau 3 năm đầu tư, hiện mỗi tháng Công ty cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu ấu trùng tôm đạt chất lượng cao. Để đạt được kết quả này, C.P. Việt Nam đã đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ cao, từ xử lý nước, nuôi tảo, thiết bị xét nghiệm… thực hiện theo quy trình kép kín. Nhờ đó, tôm giống xuất bán ra thị trường đều bảo đảm chất lượng, tôm ít dịch bệnh, tăng trưởng nhanh.
Là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống, Ninh Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nước biển trong sạch, nhiệt độ và độ mặn nước biển phần lớn vào các tháng trong năm luôn ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành nghề sản xuất tôm giống từ rất lâu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cộng với sự đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần tạo ra con tôm giống chất lượng cao. Cùng đó, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất tôm giống trên địa bàn ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn khép kín, công nghệ lắng lọc nước, xử lý bằng ozone, tia cực tím, ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh; trang bị phòng Lab, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất như PCR, Realtime - PCR và kiểm đếm tôm bằng máy tự động.
Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tôm giống Ninh Thuận trong bối cảnh thị trường tôm giống tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay; Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh hiện đang phối hợp Công ty TNHH T&T INVENMARK Sở hữu trí tuệ quốc tế triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm giống tỉnh Ninh Thuận” với tổng kinh phí hơn 520 triệu đồng. Cạnh đó, Ninh Thuận cũng đang khuyến khích các cơ sở liên kết với nhau hình thành tổ nhóm liên kết sản xuất có đủ tiềm lực tài chính để ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, khai thác sử dụng hiệu quả diện tích đất. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để phát triển và nâng cao chất lượng tôm giống.
Quản lý theo cộng đồng
Đây là hình thức được một số địa phương áp dụng trong việc quản lý sản xuất thủy sản trong đó có sản xuất tôm giống; nhằm tạo nguồn giống chất lượng, phục vụ nuôi trồng.
Năm 2013, huyện Đầm Hà là địa phương tiên phong của tỉnh Quảng Ninh thí điểm đưa Tổ công tác quản lý, giám sát giống gia súc, gia cầm và động vật thủy sản nuôi (gọi tắt Tổ giám sát) vào hoạt động. Đến nay, sau gần 4 năm duy trì mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ giống cho các hộ nuôi, nhất là những hộ nuôi tôm… Mục tiêu chính là khống chế dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm và xử lý nhanh tránh để lây lan trên diện rộng; đồng thời, tăng cường kiểm tra nguồn giống thủy sản thả nuôi (nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng nhận kiểm dịch). Theo đó, hằng năm Tổ giám sát phấn đấu kiểm tra, giám sát trên 90% giống tôm và trên 50% giống nhuyễn thể; khống chế dịch bệnh nguy hiểm xuống dưới 5% diện tích thả nuôi.
Một hộ nuôi tôm tại huyện Đầm Hà chia sẻ, nếu như trước đây, con giống các hộ mua thả tràn lan, ít có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… gây nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh, tính rủi ro cao. Khoảng 4 năm gần đây, nhờ Tổ giám sát tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ vai trò của con giống, việc kiểm dịch quyết định đến độ thành công khi nuôi, từ đó lựa chọn giống kỹ tại các đơn vị uy tín, tập trung quan tâm đến khâu kỹ thuật thả giống. Ngoài ra, quá trình thả giống các hộ dân cũng thường xuyên phối hợp với Tổ giám sát xuống chứng kiến và hướng dẫn quy trình nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh. Nhờ cách làm này 4 năm gần đây, vùng nuôi ít bị xảy ra dịch bệnh lây lan, sản lượng tôm thu hoạch cao. Năm 2016, gia đình ông thu được gần 6 tấn tôm. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng tôm đạt gần 7 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ