Mô hình kinh tế Nâng Đỡ Những Khát Vọng Vươn Lên

Nâng Đỡ Những Khát Vọng Vươn Lên

Ngày đăng 20/06/2014

Nâng Đỡ Những Khát Vọng Vươn Lên

“Để phát huy hiệu quả vốn ưu đãi, bên cạnh việc người vay phải có ý thức vươn lên, không thể thiếu những “cầu nối” đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng”- bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình, Hà Giang, cho hay.

Năm 2004, vợ ông Ngô Thanh Đồng (thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang) trong một lần đi làm thuê đã bị tai nạn qua đời, để lại cho ông 5 đứa con nheo nhóc. Nhìn bầy con còn thơ dại, ông tưởng chừng như cuộc đời mình đã đi vào ngõ cụt... Ông Đồng bảo: “Lúc ấy gia đình tôi đang ở trong một cái lán đi mượn, tài sản chẳng có gì. Cả nhà chỉ trông vào gần 1 mẫu ruộng”.

Thương con, ai thuê gì ông cũng làm, từ dọn vườn, chăn lợn, cắt cỏ đến nhặt củi. Vất vả vậy mà con cái ông vẫn bữa no bữa đói. “Nhiều khi tôi định liều sang Trung Quốc làm thuê, nhưng nhìn lũ con ở nhà không ai trông nom lại thôi”- ông Đồng nhớ lại. Năm 2005, thấy nhiều hộ nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để mua trâu, ông cũng tìm hiểu. Thế rồi ông quyết tâm vay 10 triệu đồng mua 2 con trâu cái. “Tôi đặt tất cả hy vọng vào 2 con trâu ấy, mong có thể vực cuộc sống của cả nhà”- ông Đồng nhớ lại.

Được cán bộ Hội ND hướng dẫn, ông tiếp tucục trồng rừng, làm trang trại, chăn nuôi gia súc. Năm 2012, gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo, trở thành hộ khá với thu nhập 50 – 60 triệu đồng/năm. Đến nay, ông có 13 con trâu, 300 gốc cam, 4 con ngựa, 6ha keo. “Gia đình tôi có ngày hôm nay một phần là nhờ có những tổ trưởng nhiệt tình, năng nổ như bà Hoàng Thị Chung”- ông Đồng tâm sự.

Bà Hoàng Thị Chung làm tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Thượng Bằng đã 12 năm. Hiện dư nợ của tổ bà gần 1,5 tỷ đồng, với 56 hộ vay các chương trình: Cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ cận nghèo…

“Lúc trước, Ngân hàng CSXH và UBND xã tuyên truyền chính sách vay vốn ưu đãi đến các thôn, nhưng trong thôn chẳng ai chịu làm tổ trưởng. Lớp trẻ thì e ngại, người lớn tuổi thì biết ít chữ, làm sao lập sổ sách theo dõi vốn vay được. Cán bộ xã, cán bộ Ngân hàng vận động tôi làm tổ trưởng, tôi định từ chối vì học vấn hạn chế, lỡ thất thoát tiền thì biết lấy gì đền. Nhưng rồi tôi nghĩ, ai cũng như mình thì biết đến bao giờ bà con trong thôn mới tiếp cận được vốn vay ưu đãi”- bà Chung tâm sự.

"Những hộ nghèo luôn biết vươn lên, những tổ trưởng tổ TKVV luôn tận tuỵ thì đồng vốn ưu đãi của Nhà nước luôn đến đúng địa chỉ, được sử dụng hiệu quả…”.Bà Nguyễn Thị Hằng

12 năm làm tổ trưởng tổ TKVV, tổ của bà chưa hề có nợ xấu. Để có điều này, trước khi làm hồ sơ cho hộ vay vốn, bà đi thực tế kiểm tra để đề xuất ngân hàng giải ngân đúng số vốn hộ vay cần. Có hộ chỉ vay 5 - 6 triệu đồng nhưng bà vẫn nhiệt tình giúp họ làm hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Hằng khẳng định: “Những hộ nghèo luôn biết vươn lên như anh Ngô Thanh Đồng và những tổ trưởng tổ TKVV tận tuỵ như bà Hoàng Thị Chung, thì đồng vốn ưu đãi của Nhà nước luôn đến đúng địa chỉ, được sử dụng hiệu quả…”.


Quỳnh Nhai (Sơn La) Đất Ít, Vẫn Thu Nhập Khá Quỳnh Nhai (Sơn La) Đất Ít, Vẫn Thu… Hà Nội Chi 500 Tỷ Đồng Để Dồn Điền Đổi Thửa Hà Nội Chi 500 Tỷ Đồng Để Dồn…