Mô hình kinh tế Nâng sức cạnh tranh thủy sản

Nâng sức cạnh tranh thủy sản

Ngày đăng 14/07/2015

Nâng sức cạnh tranh thủy sản

Gần 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ, viện nghiên cứu thủy sản và Sở NN-PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển về dự hội nghị.

Chuyển biến từ vùng nuôi

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành thủy sản đã khẳng định được vai trò to lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, như khó khăn trong SX cá tra, dịch bệnh xảy ra ở vùng nuôi tôm…

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản hướng tới nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

"Hội nghị nhằm đánh giá, nhìn lại trong 2 năm qua chúng ta làm được những gì. Qua đó, tìm những giải pháp thích hợp trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy hải sản, từ đó tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo định hướng đã đề ra", Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau 2 năm tái cơ cấu ngành thủy sản cho thấy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã phát huy thế mạnh. Con tôm sú phát triển tại các vùng sinh thái đặc trưng thích hợp như tôm rừng ngập - mặn, tôm - lúa ở duyên hải Nam bộ nhắm vào lợi thế cạnh tranh và thị trường XK.

Tính đến tháng 6 năm 2015, hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến (chuyên tôm sú) ổn định khoảng 540.000 ha, tăng 89% diện tích nuôi. Cơ cấu tôm sú và tôm thẻ chân trắng có sự dịch chuyển. Tôm thẻ chiếm 12,5% diện tích nuôi nhưng chiếm tới 57% sản lượng; tôm sú chiếm 87% diện tích nuôi, song chỉ chiếm 43% sản lượng.

Do chuyển đổi tích cực về cơ cấu, phương thức nuôi, năm 2014 sản lượng tôm cả nước đạt 658.000 tấn, tăng 120.000 tấn so với năm 2013.

Năm 2014, ĐBSCL có 5.500 ha nuôi cá tra, đạt sản lượng 1,1 triệu tấn. Các năm tiếp theo sẽ tăng diện tích và sản lượng phù hợp với khả năng mở rộng thị trường.

Đồng bằng Bắc bộ đang phát triển đối tượng nuôi mới là cá rô phi thâm canh trong ao, còn ở Nam bộ nuôi trong lồng bè trên sông.

Năm 2014 có 16.000 ha nuôi cá rô phi trong ao và nuôi lồng bè 410.000 m3, năng suất trung bình đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng cá rô phi và điêu hồng đạt 125.000 tấn, tăng 25% so năm 2013.

Điểm nổi bật hiện nay ở một số địa phương là phát triển vùng nuôi tôm, cá công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm thiểu tối đa việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị cá tra ở ĐBSCL

Ông Võ Minh Chiến, Phó BCĐ Tây Nam bộ: “Để tái cơ cấu thủy sản thành công thì lĩnh vực thú y thủy sản là rất quan trọng, lấy phòng bệnh là chính. Phòng chống dịch bệnh gắn chặt với quản lý nuôi trồng thông qua quản lý tốt các loại vật tư đầu vào, con giống tốt, an toàn dịch bệnh, môi trường vùng nuôi và áp dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến".

Điển hình có 3 DN gồm Cty Trung Sơn (Kiên Giang), Cty Việt - Úc, Trúc Anh (Bạc Liêu), từng bước chủ động SX cung cấp tôm giống sạch bệnh gắn với vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh...

Gỡ khó

Ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, tỉnh có thế mạnh về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái với mô hình tôm - rừng, tôm - lúa; xác định đối tượng chủ lực là con tôm (chiếm 80 % cơ cấu).

Tuy nhiên lo ngại nhất là thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu ở vùng nuôi thủy sản. Vấn đề quản lý giá cả vật tư đầu vào và đảm bảo đầu ra cho còn nan giải. Cần đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào SX...

Theo ông Bằng, việc triển khai Nghị định 67 về đóng tàu còn vướng mắc là do thiết kế 21 mẫu tàu đưa xuống ngư dân không nhận, bởi họ quen vận hành đánh bắt bằng tàu gỗ. Đến nay Cà Mau phê duyệt tàu đóng mới 17 tàu nhưng mới khởi công đóng 7 tàu.

"Trở ngại nữa là muốn hiện đại hóa tàu cá phải có vốn, song tiếp cận với ngân hàng không dễ. Mặt khác, ngư dân còn ngần ngại đóng mới vì ngư trường ở vùng biển Tây đang quá tải, trong khi đánh bắt vùng biển Đông không quen", ông Bằng nói.

Đại diện Sở NN-PTNT An Giang cho rằng, người nuôi cá tra đang thở bằng “mũi” của người khác, khi 70% thức ăn phải nhập khẩu; chất lượng cá giống không đảm bảo, thị trường tiêu thụ rất khó khăn...

Do vậy cần có giải pháp gỡ rối cho cá tra, đẩy mạnh thực hiện liên kết SX nhằm hạ giá thành SX.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trong 2 năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành NN-PTNT nói chung, ngành thủy sản nói riêng, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã có nhiều nỗ lực xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch hành động cụ thể...

Bộ NN-PTNT đã gấp rút xây dựng các văn bản pháp quy để tái cơ cấu thủy sản, hình thành một số chương trình, đề án nhằm mục tiêu hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm...

"Sau hội nghị này chúng ta phải coi tất cả lĩnh vực SX của ngành thủy sản đặt trong tầm cạnh tranh quốc tế, tập trung SX tạo sản phẩm giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền cần mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Từ nay đến cuối năm, các địa phương phải xây dựng đề án riêng, lựa chọn những việc trọng tâm và làm rõ mục tiêu phát triển để hành động đồng bộ...", Bộ trưởng chỉ đạo.


Qua vụ tôm xuân hè 2015 Qua vụ tôm xuân hè 2015 Canh tác mía ở Quảng Tây Canh tác mía ở Quảng Tây