Mô hình kinh tế Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại

Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại

Ngày đăng 14/08/2013

Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại

Kết thúc vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013, Sóc Trăng đã thả nuôi được trên 34.000 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 10.405 ha.

Hiện đã thu hoạch được gần 6.000 ha, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là dưới 30%. Có thể thấy năm nay vùng nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đã có dấu hiệu hồi phục nhờ áp dụng tốt các biện pháp đối phó với thời tiết và có biện pháp nuôi an toàn. Điều đáng lo ngại hiện nay là người nuôi tôm vẫn có xu thế thả giống tiếp tục, bởi giá tôm ở mức khá hấp dẫn.

Cán bộ ngành chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tập trung xuống địa bàn để theo dõi các yếu tố môi trường, khuyến cáo các yếu tố bất lợi của thời tiết, để người nuôi tuân thủ lịch thời vụ của năm 2013. Thực tế đo đạc các yếu tố môi trường, thời tiết hiện nay cho thấy sẽ rất bất lợi đối với tôm nuôi trong giai đoạn mới thả giống và khuyến cáo người nuôi tôm từ nay đến cuối mùa mưa không nên mạo hiểm thả giống. Kỹ sư Lê Văn Hăng - Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Với tình hình nuôi tôm đang có dấu hiệu tích cực như vậy nên hiện nay bà con đang có xu hướng tăng cường thả giống.

Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên thả nuôi một cách mất kiểm soát, đồng thời các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm không chấp hành theo khung lịch mùa vụ của Ngành Nông nghiệp”.

Hiện đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão, các yếu tố môi trường sẽ biến động liên tục, nhiệt độ xuống rất thấp và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sống của tôm giống, chính vì vậy Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nên cắt vụ nuôi tôm năm 2013 vào cuối tháng 7.

Bà con phải hết sức thận trọng trong đầu tư sản xuất, bởi chi phí đầu tư cho nuôi tôm là rất lớn, một khi thất bại sẽ tổn thất nặng nề, hơn nữa ao nuôi, vùng nuôi cũng cần được cắt vụ để tránh mầm bệnh tồn lưu gây ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau. Các nhà khoa học cũng cảnh báo mức độ ô nhiễm môi trường vùng nuôi, nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh do không cắt vụ. Ở thị xã Vĩnh Châu đa phần là vùng nuôi chuyên canh tôm nước lợ, sau những thiệt hại đầu vụ, nhiều hộ vẫn đầu tư nuôi tiếp dù mùa vụ đã kết thúc.

Ông Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến Nông TX. Vĩnh Châu cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay các chỉ số về môi trường đều bất lợi để thả nuôi tôm, do vậy chúng tôi đã khuyến cáo đến bà con cần chấm dứt vụ nuôi tôm, chuyển qua thả nuôi các đối tượng thủy sản khác, nhất là cá rô phi để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ao nuôi, tạo tiền đề tốt cho vụ nuôi tôm sau”.

Mới đây, Tổng Cục thủy sản đã tổ chức Hội thảo bàn biện pháp khống chế diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và giải pháp mùa vụ nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Bạc Liêu để xây dựng chiến lược phát triển nghề nuôi tôm an toàn, bền vững của cả nước, đặc biệt là vùng nuôi ở các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng vẫn nhất quán quan điểm cắt vụ nuôi vào cuối tháng 7/2013 để giúp người người nuôi tránh thiệt hại trong điều kiện cao điểm mưa bão, đảm bảo an toàn cho những vụ nuôi tiếp theo.


Cá Tra Càng Nuôi Càng Lỗ Cá Tra Càng Nuôi Càng Lỗ Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Trong Ao Đất Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Trong Ao Đất