Nên có gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho HTX
Hiện nay số lượng các HTX hoạt động không hiệu quả còn rất lớn (chiếm 80-90% số HTX), theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên?
- Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới HTX yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Thứ nhất là về năng lực HTX, năng lực ở đây bao gồm năng lực lãnh đạo, trình độ cán bộ HTX và năng lực hạ tầng, đất đai, điều kiện để phục vụ kinh doanh.
Hiện nay trình độ của các cán bộ HTX vẫn còn khá thấp, chủ yếu là lấy cán bộ làm nông nghiệp sang công tác, những cán bộ có kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, điều này khiến các HTX không tiếp cận được thị trường, không hiểu biết về kỹ thuật nên rất khó khăn để phát triển.
Đối với năng lực hạ tầng, điều kiện để phục vụ kinh doanh thì HTX cũng rất yếu, thiếu vốn, thiếu đất đai xây dựng kho xưởng, thậm chí nhiều HTX cũng không có đất làm trụ sở nên phải đi ở nhờ.
Cửa hàng vật tư nông nghiệp của HTX Nông nghiệp xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Binh) bán hàng đảm bảo chất lượng cho nông dân. Ảnh: Mạc Li
Thứ hai, hệ thống chính sách của chúng ta đang có vấn đề, chính sách ban hành rất nhiều nhưng để HTX tiếp cận được thì rất ít, ví như chính sách tín dụng, chính sách đất đai... Có một chính sách mà HTX có thể tiếp cận được đó là chính sách tập huấn, đào tạo cán bộ HTX, tuy nhiên thực tế tập huấn để giải ngân thì nhiều, còn tập huấn theo nhu cầu thì vẫn ít.
Thứ ba, nhận thức trong hỗ trợ HTX của chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ. Chính quyền địa phương cần nhật thức rõ HTX là đơn vị làm những việc mà doanh nghiệp không muốn làm hoặc làm không hiệu quả, những việc liên quan đến cộng đồng.
Vì vậy nếu chúng ta nhận thức HTX là đơn vị hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ những người khó khăn thì lúc đó sẽ có sự khác biệt trong hỗ trợ, ban hành chính sách ngay, khi đó HTX sẽ được hỗ trợ ngay từ đầu. Việc nhìn nhận HTX đơn thuần là đơn vị tự chủ, kinh doanh lỗ lãi là chuyện của HTX là chưa chuẩn.
Có rất nhiều chính sách tạo điều kiện để HTX phát triển thế nhưng các chính sách đi vào cuộc sống và HTX có thể thực hiện áp dụng được thì rất ít, vậy công tác quản lý nhà nước đang gặp trở ngại gì?
- Quan điểm tiếp cận chính sách của chúng ta là phải hỗ trợ bằng tiền, nguồn lực, tuy nhiên sau khi xây dựng chính sách hỗ trợ xong, nhà nước lại không có tiền để thực hiện chính sách đó.
Ngoài ra các chính sách của chúng ta xây dựng không cụ thể, rõ ràng, ví dụ về hạ tầng, chúng ta xác định rõ hỗ trợ HTX về trụ sở, sân phơi, nhà kho… nhưng lại không có chính sách hỗ trợ đất để xây trụ sở, nhà kho, sân khơi, không có chính sách giải phóng mặt bằng cho HTX. Hỗ trợ như thế thì thử hỏi HTX xây những cái đó ở đâu?
Hiện nay về quản lý HTX có hai bộ gồm Bộ KHĐT và Bộ NNPTNT vậy, nhưng trớ trêu thay trở ngại lớn nhất của quản lý nhà nước lại là không có ai chịu trách nhiệm. Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm với HTX lại chồng chéo, chưa cụ thể. Ví dụ Bộ KHĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ ngành để quản lý chung về HTX.
Vậy nhưng trong Nghị định 199 phân công nhiệm vụ cho Bộ NNPTNT thì bộ này có trách nhiệm giúp và tổ chức bộ máy để triển khai chính sách và quản lý nhà nước về HTX. Vậy cùng một HTX, cả 2 bộ này cùng tổ chức đoàn kiểm tra, vậy có được không? Chính vì sự chồng chéo, chưa rõ ràng nên bộ này nhìn bộ kia rồi không ai làm và cũng không ai chịu trách nhiệm.
Một trong những khó khăn của HTX hiện nay là vấn đề tiếp cận vốn. Theo ông cần làm gì để khơi thông nguồn vốn cho HTX?
"Nhà nước cần phải tổ chức hệ thống vừa cho vay vừa tư vấn cho HTX thiết lập các dự án kinh doanh có lợi, nếu làm được như vậy, HTX vừa được vay vốn vừa được hỗ trợ tư vấn các phương án kinh doanh, họ sẽ làm ăn hiệu quả hơn”.
Ông Lê Đức Thịnh
- Đối với HTX, vấn đề tiếp cận vốn rất khó khăn vì cách thức vận hành tín dụng cho HTX của nước mình không đa dạng, hệ thống tín dụng thì nhìn vào tài sản thế chấp để cho vay.
Các nước khác họ khuyến khích các hệ thống tín dụng cho HTX vay bằng nhiều hình thức vừa là thế chấp tài sản, cho vay bằng dự án kinh doanh, hay cho vay theo dòng tiền nghĩa là cứ thấy hợp đồng xuất khẩu sản lượng lớn, giá trị lớn là cho vay, cũng có thể cho vay bằng hợp đồng tay ba…
Để vượt qua được những khó khăn này, Chính phủ phải có chương trình tín dụng riêng cho HTX, đồng thời đẩy mạnh các quỹ hỗ trợ HTX. Hiện nay cả nước có 38 quỹ phát triển HTX, mỗi quỹ chưa đến 30 tỷ đồng thì cho vay được 10 HTX là hết. Vì vậy nếu Chính phủ bỏ ra 20.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng riêng cho HTX thì HTX sẽ được đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông, để phát triển, nâng cao hiệu quả các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì?
- Có 4 vấn đề then chốt cần giải quyết: Thứ nhất, nâng cấp đội ngũ cán bộ HTX; thứ hai, hỗ trợ hạ tầng, đất đai cho HTX; thứ ba là về vốn, cần có chương trình tín dụng như tôi nói ở trên; thứ tư, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành quản lý HTX. Có như thế thì HTX mới phát triển và nâng cao hiệu quả được.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Nam Hồng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh: Tăng vốn quỹ hỗ trợ
Năm nay Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi HTX kiểu mới. Năm 2014 Hà Tĩnh thành lập mới được 125 HTX và 4 tháng đầu năm 2015 thành lập mới được 25 HTX. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Các HTX nông nghiệp thực sự là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng cho loại hình HTX nông nghiệp kiểu mới để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển; tăng vốn điều lệ hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để nhiều HTX được tiếp cận nguồn vốn từ quỹ.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp: Thêm chính sách ưu tiên
Ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã xác định vai trò của HTX là hết sức quan trọng để tập hợp nông dân, làm cầu nối với doanh nghiệp. Vì vậy tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX như: giao đất không thu tiền, miễn thuế cho hàng trăm lượt HTX; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, ngân hàng giải ngân cho HTX vay vốn hỗ trợ đầu tư phát triển...
Hiện đa số HTX đều gặp khó khăn về vốn, trình độ quản lý còn hạn chế, năng lực hoạt động sản xuất, dịch vụ kinh doanh chưa theo kịp nền kinh tế thị trường... Vì vậy tôi đề nghị cần có chỉ đạo sát sao hơn, đưa ra các chính sách ưu tiên phát triển HTX nhằm giúp HTX đủ mạnh, đủ sức đảm đương vai trò mắt xích trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ