Ngành tôm tăng cạnh tranh bằng sản xuất sạch
Đó là ý kiến và đề xuất của phần lớn các doanh nghiệp tại buổi đối thoại bàn tròn với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao lợi thế canh tranh cho ngành tôm Việt Nam” do Bộ NNPTNT phối hợp Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP-GIZ) tổ chức ngày 15.11 tại TP.Cần Thơ.
Nhiều nghịch lý
Theo các đại biểu, một nghịch lý chỉ có ở Việt Nam đó là tình trạng giá thành sản xuất tôm luôn rất cao nhưng tỷ lệ nuôi thành công thấp đã khiến cho người nuôi gặp khó khăn. Ông Nguyễn Minh Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam nói: “Chi phí nuôi tôm của Việt Nam cao hơn cả Thái Lan và Ấn Độ. Nguyên nhân phần lớn là do người dân mua vật tư ở đại lý, không mua trực tiếp từ công ty sản xuất. Ở Thái Lan, có hơn 50% hộ nuôi nhỏ lẻ mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc, còn ở Việt Nam chỉ 15% hộ nuôi tôm mua trực tiếp từ doanh nghiệp”.
Trong ảnh: Ao nuôi tôm của nông dân xã Hoà Tứ 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.X
Theo tài liệu cung cấp tại buổi đối thoại, Bộ NNPTNT đã giao cho Tổng cục Thuỷ sản chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xúc tiến hành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng giao cho Tổng cục Thuỷ sản xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành tôm công nghiệp Việt Nam, trong đó có việc xây dựng thương hiệu tôm nước lợ.
TS Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thì thông tin rằng, không chỉ có chi phí đầu vào tăng mà chất lượng của những sản phẩm thuốc, thức ăn của tôm cũng đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tôm nuôi. “Danh mục thức ăn bổ sung cho tôm rất nhiều, khoảng 3.800 loại, còn chất xử lý môi trường cũng có khoảng 2.800 loại. Tình trạng này gây khó khăn cho người nuôi vì không biết sản phẩm nào hiệu quả, gây khó việc lựa chọn. Kể cả cơ quan chức năng cũng vậy, rất khó kiểm soát” – TS Cẩn nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm phục vụ trong nuôi tôm hiện rất bát nháo và được bán ra với giá rẻ mạt khiến những công ty làm ăn chân chính phải... than khóc. Bức xúc trước vấn đề trên, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú phản ánh: “Bây giờ, nơi đâu cũng bán thuốc, con giống và cạnh tranh rất bát nháo. Nhiều nơi nói là bán chế phẩm sinh học nhưng thực tế là lấy kháng sinh trộn vào bột khoai mì. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này thì người nuôi tôm sẽ không biết chính mình cho tôm ăn kháng sinh trong thời gian dài”.
Theo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, vùng này là nơi sản xuất tôm với quy mô lớn thế nhưng nơi đây phần lớn chỉ sử dụng tôm giống từ các tỉnh Nam Trung Bộ và phụ thuộc vào nước ngoài về tôm bố mẹ nên chất lượng rất khó kiểm soát. Thời gian qua, nhiều viện, trường trong vùng đã có nhiều nghiên cứu về con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhưng đó chỉ là việc “mạnh ai nấy làm” và việc chuyển giao chưa mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, theo thống kê, bình quân hàng năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam là trên 3 tỷ USD (riêng năm 2015, Việt Nam xuất khẩu tôm đứng thứ 2, chiếm 14% thị phần trên thế giới). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, tới đây, tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn trước. Cụ thể là các thị trường nhập khẩu tăng cường các quy định kiểm soát về dư lượng kháng sinh, nhiều rào cản phi thuế quan được đặt ra. Ngoài ra, nhiều nước có lượng tôm xuất khẩu ngày càng lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia...
Nuôi tôm theo hướng sạch
Để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam, nhiều ý kiến được đưa ra là phải có định hướng nuôi tôm theo hướng sạch. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phú cho biết, phía công ty đã và đang phối hợp với người dân sản xuất tôm theo tiêu chí 3 sạch: Tôm giống sạch, đáy ao sạch và sử dụng nguồn nước sạch. Năm 2015 vừa rồi, đã có 200 hộ, chiếm 0,2% hộ nuôi tôm ở Việt Nam thực hiện mô hình này, đến năm 2016 tăng lên 950 hộ (gần 1%). Được sự giúp đỡ của Sở NNPTNT các địa phương, phấn đấu năm 2017 sẽ có 4%, năm 2018 sẽ có 10% (10.000 hộ) nuôi tôm của cả nước thực hiện.
Cũng theo ông Phú, Thái Lan đã thực hiện mô hình này, năm 2015 đã có 20% số hộ nuôi tôm tham gia và tăng lên 30% vào năm 2016. Tỷ lệ thành công của mô hình là khoảng 79%. “Mô hình chưa hoàn hảo lắm nhưng so với phương pháp nuôi truyền thống thì đây là hướng đi đúng cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Còn đối với các trang trại nuôi tôm lớn đã thực hiện được 40%. Tham gia mô hình này, người dân sẽ được giảm chi phí do công ty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, thức ăn và thu mua sản phẩm” – ông Phú cho hay.
Để nuôi tôm theo hướng sạch cũng như để giá thành sản xuất tôm giảm, nâng cao chất lượng sản phẩm tôm, bà Phan Thị Thu Oanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu kiến nghị, quy hoạch khu sản xuất giống tôm tập trung. Khu này sẽ được kiểm soát, quản lý, nghiên cứu chuyển giao giống cho dân và chịu trách nhiệm về công bố chất lượng tôm giống của mình. Ngoài ra, bà Oanh cũng đề xuất tăng chế tài đối với tôm giống kém chất lượng cũng như đối với các sản phẩm phục vụ trong nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ