Tin thủy sản Ngao xuất khẩu - Kỳ vọng vượt tầm

Ngao xuất khẩu - Kỳ vọng vượt tầm

Tác giả Nguyễn Anh - Hữu Băng, ngày đăng 14/09/2021

Ngao xuất khẩu - Kỳ vọng vượt tầm

Những năm gần đây, các mặt hàng nhuyễn thể, trong đó có ngao/nghêu không chỉ được ưa chuộng, tiêu dùng trong nước, mà còn thuộc nhóm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; nổi bật là tại thị trường EU. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, kỳ vọng ngành hàng này sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.

Tiềm năng lớn

Ngao là một sản phẩm đặc trưng, truyền thống của Việt Nam, đã đi vào văn chương dân tộc, đặc biệt là tác phẩm tuồng dân gian “ngao sò ốc hến”. Với bờ biển dài 3.260 km chạy dọc theo hướng Bắc – Nam, 112 cửa sông, trên 3.000 đảo lớn nhỏ, có diện tích mặt nước eo vịnh, đầm phá ven biển lớn; trên 1 triệu km2 diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển, cùng các hệ sinh thái rất đa dạng phù hợp cho việc nuôi trồng nhuyễn thể nhất là ngao/nghêu. Với 2 loài ngao đang được nuôi phổ biến là ngao đá (ngao trắng) và ngao dầu, được xem là đối tượng nuôi chủ lực ở hầu hết các tỉnh ven biển Bắc bộ và ĐBSCL.

Trong những năm gần đây, sản xuất, khai thác và chế biến ngao/nghêu đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL, nơi được coi là “vựa nghêu” lớn nhất của cả nước. Ngao/nghêu đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất, gồm ngao nâu, ngao trắng, ngao lụa dưới dạng luộc, hấp, nguyên con. Tính đến nay, sản phẩm ngao/nghêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khối Asean, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Australia và Canada…; đem lại nguồn thu ngoại tệ hơn 80 triệu USD/năm.

Cùng đó, Bộ NN&PTNT đã và đang xây dựng một chiến lược phát triển ngành hàng ngao, hàu theo hướng hiện đại; đó là khuyến khích tạo các chuỗi liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, đồng thời giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhóm hàng giá trị gia tăng. Các cơ quan nghiên cứu cũng đề ra các giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất; ứng dụng, tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.

Nếu như mặt hàng tôm và cá tra phát triển mạnh tại miền Nam thì tiềm năng phát triển ngao, hàu ở các tỉnh phía Bắc rất lớn. Các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đều có thể phát triển diện tích nuôi cũng như xây dựng thương hiệu trên thị trường. Tỉnh Nam Định hiện có hơn 2.000 ha nuôi ngao, trong đó có 2 vùng nuôi lớn tại huyện Giao Thủy với 1.665 ha, huyện Nghĩa Hưng có 500 ha; hàng năm cung cấp từ 35.000 – 40.000 tấn ngao thương phẩm và hàng chục tỷ con giống ra thị trường. Năm 2020, toàn tỉnh có 500 ha tại vùng nuôi ngao xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế  ASC (đây là chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix lyrata).

Hiện nay, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có khoảng hơn 1.000 ha nuôi ngao, tập trung ở vùng ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi, sản lượng hàng năm đạt khoảng 17.000 tấn. Bên cạnh nuôi ngao thương phẩm thì vài năm trở lại, người dân các xã ven biển huyện Kim Sơn còn phát triển nghề sản xuất ngao, hàu giống. Trên vùng NTTS nước mặn, lợ của huyện hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, với diện tích hơn 300 ha, sản lượng 42,5 tỷ con, trong đó ngao 30 tỷ con, hàu 12,5 tỷ con. Điều đáng nói là giống ngao, hàu ở Kim Sơn chất lượng tốt hơn hẳn ở các địa phương khác, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn. Do vậy, hiện giống ngao, hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định…; mang về thu nhập 1 – 2 tỷ đồng/ha/năm cho người dân. Được biết, Tổng cục Thủy sản cùng với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) sẽ có những hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật để Kim Sơn xây dựng trở thành vùng sản xuất giống nhuyễn thể hiện đại, tiên tiến của cả nước.

Còn nhiều thách thức

Theo Tổng cục Thủy sản cũng như báo cáo của các tỉnh, thành thì con giống là vấn đề khá nan giải trong việc phát triển ngành hàng nhuyễn thể. Cả nước hiện có 380 cơ sở sản xuất giống, tập trung ở Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang. Tuy nhiên, nhu cầu thả nuôi cần khoảng 20 tỷ con/năm, mới cung ứng được 1/3 nhu cầu, phần lớn nguồn giống cho nuôi thương phẩm vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên. Các tỉnh ĐBSCL đều đang ghi nhận việc nguồn giống trong tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt do bị khai thác quá mức, bên cạnh đó, việc nuôi trồng ồ ạt cũng gây ra ô nhiễm môi trường, ngao chết hàng loạt, suy giảm nguồn giống tự nhiên. Cùng đó, việc nuôi ngao tại các địa phương ven biển hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật nuôi của người dân chưa đạt với yêu cầu dẫn đến ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững.

Khoảng 10 năm trở về trước, nuôi ngao ven biển ở xã Thuận Thới, huyện Bình Đại được xem là nghề “siêu lợi nhuận” (đầu tư 1 có thể lời 4 – 5 lần). Tuy nhiên, những năm gần đây, nuôi ngao không còn “dễ ăn” nữa do thường xuyên xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, giá sụt giảm và tiêu thụ chậm. Nguyên nhân là sự thay đổi nhiệt độ bất thường giữa ngày và đêm khiến ngao không thích ứng kịp.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam  cho biết, mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng giá trị xuất khẩu và tiêu thụ ngao trong nước lại chưa thực sự tương xứng. Có nhiều nguyên nhân: Giống nuôi (ngao) những năm gần đây bị suy thoái. Kích cỡ vật nuôi nhỏ đi trong khi thị trường trong nước và xuất khẩu lại có nhu cầu cao với sản phẩm có kích cỡ lớn; Năng suất nuôi còn thấp, chi phí nuôi cao làm giá nguyên liệu cao dẫn đến giá bán không còn tính cạnh tranh so với các nước khác; Một số nơi nuôi ngao trắng, ngao hai cồi ở miền Bắc còn lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc – một thị trường bấp bênh, không ổn định, mà lẽ ra ta cần đa dạng hóa nhiều thị trường khác nhau trên thế giới có nhu cầu khá cao về các loại ngao; Một số nhà máy chế biến trong nước chưa được nâng cấp và đổi mới công nghệ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Theo đó, đã đến lúc cần hình thành một tổ chức, một hiệp hội hay hội tập hợp những người nuôi trồng, các nhà máy chế biến và các nhà xuất khẩu, dịch vụ thương mại; để cùng nhau định hướng phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng ngao và các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác.

Để duy trì và phát triển xuất khẩu trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các chuyên gia cho rằng cần đầu tư nhiều hơn nữa để giữ vững các vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh Nam Định vẫn duy trì chương trình giám sát chặt chẽ vùng nuôi ngao 500 ha của huyện Nghĩa Hưng nhằm giữ vững các tiêu chí được chứng nhận. Duy trì phát triển 2 vùng nuôi ngao giữ vững chuẩn B tiêu chuẩn EU, xây dựng vùng nuôi ngao Giao Thủy theo tiêu chuẩn ASC, tiến tới xây dựng và chứng nhận sản phẩm của 2 vùng nuôi ngao theo tiêu chuẩn hữu cơ.


Kỹ thuật nuôi cá bớp trong lồng HPDE Kỹ thuật nuôi cá bớp trong lồng HPDE Giá cua biển bất ngờ tăng vọt, thủy sản bắt đầu tăng giá trở lại Giá cua biển bất ngờ tăng vọt, thủy…