Nghệ An Cá Vụ 3 Vào Mùa
Vào đầu tháng 8 Âm lịch hằng năm, nhiều địa phương ở Nghệ An lại bắt đầu thả cá giống vụ 3 trên ruộng lúa vùng sâu trũng, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi. Nuôi cá trên ruộng lúa (cá vụ 3) vùng thấp trũng đã trở thành nghề của nhiều hộ dân.
Như những năm trước, khi lúa hè thu chuẩn bị chín, ông Nguyễn Quỳnh ở xóm 5A, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) tiến hành thả cá vụ 3 với công thức 80 - 100kg cá giống/sào lúa; kích cỡ khoảng 5 - 6 lạng/con với 3 loại giống là cá chép, trôi, mè hoa. Khi thu hoạch lúa xong, ông Quỳnh tiến hành tôn cao bờ thửa để chống thất thoát cá.
Ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ, các loài động vật sống trong ruộng lúa… nên không phải đầu tư tiền thức ăn cho cá. Đến thời điểm chuẩn bị dọn đất để gieo cấy vụ lúa đông xuân, cũng là lúc gia đình ông thu hoạch mùa cá ruộng; sau 60 ngày thả giống thu hoạch được khoảng 300 kg/sào…
Diện tích khoanh nuôi cá vụ 3 hàng năm của xã Hưng Đạo là khoảng 45- 50 ha, trong đó có 25 ha nuôi an toàn, không bị đe dọa bởi thời tiết. Hiện xã có 2 mô hình nuôi cá 7- 8 tháng trên diện tích 10 ha không sản xuất lúa hè thu ở xứ đồng Na (xóm 5A) và xứ đồng Cồn Kênh (xóm 7) cho thu nhập khá cao.
Đặc biệt, mô hình cá vụ 3 ở xóm 4B, năm 2013 thả 30 triệu đồng tiền giống đã thu về hơn 100 triệu đồng trên 9 ha đất. Mô hình này do tập thể xóm đứng ra đảm nhận nuôi (như hội CCB, hội phụ nữ, hội nông dân, được quay vòng lần lượt hàng năm), tiền giống do các hội viên đóng góp. Để khuyến khích mở rộng diện tích nuôi cá vụ 3, từ năm 2012, xã đã có cơ chế hỗ trợ 1 tạ cá giống 200.000 đồng; 1 triệu đồng/mô hình rộng từ 5 ha trở lên.
Ông Hoàng Đức Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Đặc thù của đồng đất Hưng Nguyên là vùng sâu trũng, chủ yếu đất thịt nặng nên việc sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa là rất khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất 2 lúa ngoài 1 số cây trồng như bí xanh, khoai lang… thì cá vụ 3 là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của bà con nông dân. Nhất là những vùng có diện tích quá sâu trũng lớn như các xã Hưng Lợi, Hưng Tiến, Hưng Phúc, Hưng Thịnh nếu không thả cá vụ 3 thì cũng chỉ để nuôi vịt chạy đồng chứ không trồng được cây gì khác.
Từ định hướng đó, trong kế hoạch sản xuất hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã chú trọng cải tạo bờ bao, mương thoát nước, khoanh nuôi cá vụ 3 sớm. Kế hoạch khoanh nuôi sản xuất cá vụ 3 toàn huyện năm 2014 là 450ha, với cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng cho vùng nuôi mới tập trung có diện tích trên 10 ha…
Với mô hình cá - lúa hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng hóa chất, phân bón nên an toàn cho con người và cho môi trường”.
Đô Lương cũng là một trong những địa phương có phong trào nuôi cá lúa vụ 3 lớn, diện tích hàng năm từ 500- 650 ha. Kế hoạch năm 2014 toàn huyện thả hơn 500 ha; hiện người dân các xã Trù Sơn, Nam Sơn, Lạc Sơn, Xuân Sơn… đang triển khai đắp bờ, giữ nước để chuẩn bị mua giống về thả.
Về khu đồng trũng của Thị Trấn Đô Lương hàng loạt ô thửa nuôi trồng thủy sản được xây dựng khang trang, với những ao cá thâm canh hứa hẹn hiệu quả. Bên cạnh đó là những ruộng lúa sau vụ gặt vẫn ngập nước để nuôi cá. Thị trấn Đô Lương có 75 ha đất 2 vụ lúa, cũng như các địa phương khác, ngoài vụ xuân thì sản xuất hè thu ở đây rất bấp bênh, chí phí đầu tư lớn mà năng suất, hiệu quả lại thấp.
Thực hiện Chỉ thị 08 của BTV tỉnh ủy về việc dồn điền đổi thửa, đầu năm 2014 UBND Thị trấn đã quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh, mạnh dạn chuyển diện tích cấy lúa hè thu sang nuôi cá 7 tháng, rộng 44,7 ha. Hiện có hơn 50 hộ tham gia nuôi thả, trung bình mỗi hộ từ 0,5-2,5 ha; mô hình này là cơ sở để cung cấp nguồn con giống nuôi cá vụ 3 cho người dân trong vùng và các xã lân cận.
Ông Đặng Văn Lý ở khối 10 - Thị trấn Đô Lương, cho hay: Không như các năm trước là chỉ nuôi cá vụ 3, năm nay trên diện tích đất giao khoán của gia đình và một số hộ liền kề không có nhu cầu sản xuất vụ hè thu tôi đã khoanh vùng, tôn tạo lại bờ vùng bờ thửa để nuôi cá 7 tháng trên ruộng. Sau hơn 4 tháng nuôi, nếu tính giá bán cá giống đầu vụ như hiện tại 50.000- 55.000 đồng/kg thì sẽ thu về được 7 - 7,5 triệu đồng /sào, cao hơn gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa.
Chuyển đổi diện tích cấy lúa hè thu bấp bênh không ăn chắc sang mô hình nuôi cá chúng tôi thấy không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà nó còn giúp cải tạo ruộng lúa cho vụ mùa tới”.
Cùng với nhu cầu nuôi tăng, thị trường sản xuất cá giống trong thời gian gần đây cũng khá nhộn nhịp. Anh Võ Quang Minh - chủ traị cá giống ở khối 10 - Thị trấn Đô Lương cho biết: “Cách nay khoảng 1 tháng, nhiều người dân trong và ngoài huyện đến trại mua cá giống khá nhiều. Nếu trước đây, mỗi ngày chỉ bán được từ 5-10 kg thì nay tăng lên từ 40-50kg ”.
Phong trào nuôi cá vụ 3 trên địa bàn tỉnh ta trong những năm vừa qua đang cho thấy được hiệu quả kinh tế khá cao. Diện tích và sản lượng trong một vài năm qua đều tăng. Phong trào đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương như Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn…
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, diện tích toàn tỉnh đạt khoảng 5.000ha và sản lượng đạt gần 4.000 tấn. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả thì cần quy hoạch các vùng sản xuất để tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cho vùng canh tác.
Mặt khác, để các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất, cần có chính sách cho thuê đất lâu dài, cần hướng dẫn về kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường, đầu tư về giống để các sản phẩm của người dân nhanh chóng xâm nhập thị trường trong và ngoài tỉnh.
Do thời điểm nuôi vào mùa mưa lũ nên mầm bệnh nhiều, dễ lây lan nên các hộ dân cần tiến hành xử lý ao đầm và nguồn nước thật tốt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ