Nghệ An: Mô hình trồng Gừng Dé dưới tán cây
Nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đã tận dụng sân phơi, bao bì thải loại để trồng gừng trong bao… đạt kết quả tốt.
Trạm khuyến nông huyện Yên Thành phối hợp với Ban nông nghiệp xã Đại Thành xây dựng Mô hình trồng Gừng Dé dưới tán cây cây ăn quả và tán cây vườn rừng, nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, góp phần cải tạo đất trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất rừng. Từ đó, tổ chức hội thảo đầu bờ rút bài học kinh nghiệm, tuyên truyền nhân rộng mô hình trên địa bàn, đặc biệt là các hộ gia đình có vườn cây ăn quả, vườn rừng chưa khép tán.
Trạm khuyến nông đã tiến hành trao đổi với bà con nông dân xóm 5, xã Đại Thành và nhận được sự đồng thuận cao của các hộ gia đình tự nguyện xin tham gia thực hiện mô hình. Qua đó, chọn 10 hộ có đủ điều kiện để chỉ đạo triển khai trên diện tích trên 20 sào (1ha) với các nội dung cơ bản như sau:
* Cơ chế chính sách: Ngân sách UBND huyện hỗ trợ 40% tiền giống gừng và 20% tiền vật tư phân bón.
* Giống: Loại gừng Dé (giống địa phương thường trồng), củ nhỏ, vị cay, nhiều xơ, hiện nay được tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Cắt các đoạn thân ngầm (củ) dài 2,5-5cm, trên mỗi đoạn thân gầm có ít nhất 1 mắt (chồi ngủ) để làm giống trồng. Giống gừng có thể lấy ngay sau thu hoạch để trồng (thu hoạch để lại 2-3 chồi phân sinh). Lượng chồi giống cho 1ha trồng là 700kg.
* Thời vụ: Ngày gieo trồng 16/3. Thu hoạch cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau. Thời gian sinh trưởng từ 280-300 ngày.
* Chọn đất trồng dưới tán rừng: Chọn đất trồng gừng dưới tán các loại cây ăn quả, vườn rừng như cây mơ, mận, cam hoặc cây lâm nghiệp như rừng xoan, tếch… có độ che phủ từ 0,6-0,7%, đất có độ dốc từ 100 trở xuống. Thích hợp nhất là rừng trồng thuần loài, trồng trên đất tốt, tán lá thưa, rụng lá hoàn toàn trong mùa khô. Không nên trồng gừng dưới rừng tre nứa, thân mọc cụm, rễ phân bố tập trung ở phần đất mặn.
* Chuẩn bị đất trồng: Dọn sạch cây bụi, thảm cây dưới tán rừng có hệ rễ phân bố nông ở tầng đất mặt. Nếu có nhiều xác thực vật và cây bụi, thảm tươi cần phát sạch và xếp thành các băng nhỏ chạy theo đường đồng mức. Sau khi thu dọn thực bì, cuốc đất trồng gừng sâu 15cm, đập đất nhỏ, vun thành luống. Mặt luống rộng 40-50cm, cao 10cm, luống nọ cách luống kia 40-50cm. Các luống đất chạy song song với đường đồng mức.
* Phân bón: Lượng phân bón cho 1ha: phân chuồng hoai 5 tấn, urê 130kg, kali 240kg KCl (kali clorua), lân super 230kg, vật liệu tủ (cây vọt) 3.000kg.
Cách bón: Bón lót 100% phân chuồng + 100% phân lân + 50% urê + 50% kali. Trộn đều lân + urê + kali, bón ở dưới, đảo đều với đất, sau đó tiếp đến phân chuồng và đảo đều với đất, phủ đất mịn cho phẳng luống. Lượng còn lại dùng để bón thúc sau khi trồng khoảng 5 tháng (khi gừng có củ).
* Kỹ thuật trồng: Yêu cầu mật độ trồng 1.800-2.500 cây/ha. Mỗi luống trồng 2 hàng: hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 20cm, trồng so le kiểu nanh sấu. Đặt củ gừng xuống đất đã chuẩn bị tới độ sâu 7cm (không đặt trực tiếp lên phân), mắt chồi nằm ở trên, sau đó lấy đất mịn phủ kín củ gừng, ấn chặt đất. Không trồng gừng sát gốc cây rừng, chừa lại 1m xung quanh gốc. Sau khi trồng phủ một lớp lá cây mỏng hoặc thảm mục của rừng lên trên mặt luống để giữ ẩm.
* Chăm sóc sau khi trồng: Sau khi trồng 10-20 ngày, mắt mầm bắt đầu nảy chồi non và lá non. Trong thời gian này tiến hành chăm sóc, làm sạch cỏ xung quanh gốc gừng bằng tay, xới nhẹ và vun đất vào gốc cây gừng. Trong những tháng sau, khi thấy cỏ dại và các cây khác lấn át cây gừng, phải làm cỏ quanh gốc gừng. Không để củ gừng lộ ra khỏi mặt đất để đảm bảo phẩm chất. Nếu lá gừng trong mùa hanh, khô bị vàng nên phun phân bón qua lá như KH, PN… theo khuyến cáo.
* Thu hoạch: Sau khi trồng khoảng 3 tháng, khi cây vào ổn định thì có thể thu mồi giống (mồi cũ) để làm thương phẩm bằng cách tưới gốc, dùng cuốc khơi nhẹ gốc và dùng dao sắc cắt lấy mồi giống ra sau đó lấp đất vào gốc, nén chặt. Sau khi trồng 9-10 tháng tiến hành thu hoạch củ gừng. Trong giai đoạn này, lá cây bắt đầu chuyển sang màu vàng, cong lại, bắt đầu khô héo. Dùng cuốc cào nhẹ không để gãy củ, sau đó nhổ cây, giũ sạch đất. Nếu tiếp tục trồng gừng sau thu hoạch, có thể để lại gừng giống cho năm sau tại luống, không phải trồng lại, đỡ công vận chuyển giống gừng sau khi thu hoạch, để lại thân lá trong rừng phủ lại trên mặt đất.
* Cách bảo quản: Để củ gừng nơi khô, thoáng mát như bảo quản khoai tây hoặc đặt củ giống vào thùng, chậu hoặc trải đều trên sàn nhà, trên một lớp củ phủ 1 lớp đất mịn, khô, dày 1-2cm và cuối cùng phủ kín một lớp đất trên mặt.
* Nhận xét: Như vậy sau khi trừ cho chi phí, 1ha trồng gừng Dé thu được lãi ròng là 45.060.000 đồng. Mô hình trồng gừng dưới tán cây là hình thức trồng xen, nông lâm kết hợp, tận dụng đất khi trồng các loại cây lâu năm thời kì ban đầu khi cây chưa khép tán, có ý nghĩa vừa sản xuất cây trồng mới, vừa chăm sóc cây trồng lâu năm, giảm chi phí đầu tư chăm sóc cây lâu năm, hạn chế cỏ dại, làm tơi xốp và giữ độ ẩm đất, đồng thời cho hiệu quả kinh tế để lấy ngắn nuôi dài. Từ kết quả trên cho thấy, trồng gừng dưới tán cây ăn quả, vườn rừng là mô hình phù hợp với chân đất gò đồi. Trồng rừng cho thu hoạch hai lần (giống và củ), thực sự mang lại hiệu quả cao, mở ra một hướng đi mới, loại cây trồng mới tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng gò đồi. Mô hình cần nhân ra diện rộng.
Để mô hình có thể nhân ra diện rộng, chúng tôi xin mạnh dạn
đề xuất một số giải pháp sau:
– Các lâm trường, nông trường có vườn rừng, vườn đồi cần khảo sát và quy hoạch những vườn rừng có thể trồng gừng Dé để đầu tư có trọng điểm.
– Bước đầu đề nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ giống để phát triển gừng dưới tán rừng.
– Cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân tận dụng tán rừng để trồng gừng./.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ