Mô hình kinh tế Nghề đăng lưới và những trăn trở
Mô hình kinh tế Nghề đăng lưới và những trăn trở

Nghề đăng lưới và những trăn trở

Ngày đăng 23/11/2015

Nghề đăng lưới và những trăn trở

Chỉ với một tay lưới có cấu tạo đơn giản được giăng ven các bờ sông, người thợ đăng đợi đến khi nước cạn bắt tôm, cá khi đó đã nằm gọn trong lưới.

Tuy nhiên, nghề này ngày một khó khăn vì nguồn tôm, cá ngày càng cạn kiệt.

Anh Hồ Văn Vũ đang bắt cá cho vào thùng.

Mưu sinh theo con nước

Theo một số người làm nghề đăng lưới thì nghề này đã có khoảng hơn 30 năm nay, ban đầu chỉ có một số người làm, sau này nhiều người thấy nghề đăng lưới ăn nên làm ra nên kéo nhau cùng làm.

Nghề đăng lưới chủ yếu phụ thuộc vào thủy triều, vì vậy người thợ đăng phải thuộc nằm lòng quy luật lên xuống của con nước.

Anh Hồ Văn Vũ (ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Mỗi tháng có 2 con nước, mỗi con nước như vậy thì mình đăng được khoảng 7 ngày.

Tùy theo số lượng tôm, cá nhiều hay ít mà số ngày đăng có thể kéo dài ra hoặc ngắn lại”.

Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 (âm lịch) là mùa của nghề đăng lưới, các tháng còn lại số lượng thủy sản không nhiều vì vậy ít người đăng lưới.

Nghề đăng lưới có 3 giai đoạn: Nhận lưới, kéo lưới và bắt đăng.

Tấm lưới được sử dụng để đăng được cấu tạo khá đơn giản, chiều rộng khoảng 3,5 m, chiều dài thì tùy theo điều kiện kinh tế của người thợ đăng và diện tích của bãi đăng.

Việc đăng lưới được tiến hành khi thủy triều xuống, lúc này những bãi bồi sẽ hiện lên và đây là thời điểm những người làm nghề đăng bắt đầu công việc nhận lưới đăng xuống bùn.

Một đầu lưới được nhận cố định dưới bùn sâu khoảng 2 - 3 tấc, đầu còn lại chỉ cần dùng chân đạp sơ qua để tránh gây khó khăn cho công đoạn kéo lưới.

Ông Ngô Văn Mướt (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Việc nhận lưới này là một khâu khá quan trọng và cũng không kém phần nặng nhọc, phải nhận cho kỹ và khéo mới có cá”.

Sau khi nhận lưới xuống bùn xong, người thợ đăng sẽ quay về nhà đợi đến khi nào thủy triều lên và mặt nước bình lại (dòng nước đứng yên, không chảy nữa), đây chính là lúc kéo đầu lưới được đạp sơ qua.

Một ngày con nước lên xuống tới 2 lần trong khi cá, tôm thì hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên đa phần những người làm nghề này không kéo lưới vào ban ngày mà chỉ kéo vào ban đêm.

Công đoạn kéo lưới này mất hàng giờ đồng hồ, lưới kéo lên sẽ cột vào những cây sào được cặm thành hàng giúp cho lưới thẳng và không bị tuột, một khi lưới được kéo lên, cá, tôm… sẽ không thể thoát ra ngoài được, chỉ việc đợi đến khi nước cạn là tiến hành bắt.

Anh Nguyễn Văn Rép, 43 tuổi (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) chia sẻ: “Cái nghề này một ngày chỉ làm khoảng vài giờ, thời gian còn lại thì đi làm chuyện khác.

Tuy nhiên, do là nghề mưu sinh trên sông nước nên cũng rất vất vả.

Mỗi ngày, tôi phải thức dậy lúc 2 - 3 giờ sáng để kéo lưới, bị muỗi đốt khắp cả người”.

Công đoạn bắt đăng (bắt tôm, cá trong lưới đăng) là phần đáng chờ đợi nhất.

Bởi lẽ đây chính là thời điểm mà người thợ đăng biết được thành quả lao động của mình sau hàng giờ cực nhọc.

Công đoạn này cũng không kém phần vất vả do lưới đăng nằm trên bãi bùn nên khi di chuyển người thợ đăng sẽ bị lún.

Anh Vũ tay giũ tấm lưới đăng, tay còn lại thì bắt cá cho vào thùng, giũ tới đâu nhận lưới tới đó, trán đẫm mồ hôi, miệng thủ thỉ: “Nghề đăng này cũng bấp bênh lắm, nhiều khi một ngày thu nhập chỉ được vài chục ngàn đồng”.

Đối với những người làm nghề đăng lưới thì đây chỉ là nghề phụ, giúp họ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Trung bình mỗi ngày, những người làm nghề đăng có thu nhập từ 100 - 200 ngàn đồng.

Ngày một khó khăn

Thời điểm này chính là mùa của nghề đăng lưới.

Tuy nhiên, năm nay hầu hết những người làm nghề này đều có chung tình trạng đó là thất thu.

Anh Vũ cho biết: “Mấy năm trước, thời gian này mỗi ngày tôi kiếm được hơn 200 ngàn đồng từ nghề đăng lưới.

Còn năm nay thì thất quá, mỗi ngày chỉ bán được hơn 100 ngàn đồng, có khi cá bắt được chỉ đủ ăn”.

Cũng giống như hoàn cảnh của anh Vũ là trường hợp của anh Rép: “Năm nay, thời tiết không thuận lợi, lượng mưa ít hơn nên tôm, cá không về nhiều.

Gắn bó với nghề gần 20 năm, nhưng tôi chưa thấy năm nào như năm nay, việc kiếm con cá, con tôm thật quá khó khăn”.

Trước đây, dọc những bãi bồi ven sông Soài Rạp đều được phủ kín bởi lưới đăng.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn thưa thớt một vài hộ bám trụ với nghề.

“Những năm trước, nghề đăng lưới còn kiếm sống được, số lượng người làm nghề này trong ấp lên đến vài chục hộ.

Hiện tại, những người làm nghề này chỉ còn khoảng 5 - 7 hộ” - ông Đoàn Phú Kháng (ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết.

Số lượng thủy sản ngày một khan hiếm, thêm vào đó là sự vất vả của nghề đăng là một trong những nguyên nhân nhiều người quay lưng với nghề, tìm nghề khác để mưu sinh.

Lý giải cho nguyên nhân vì sao cá, tôm ngày một khan hiếm, ông Kháng cho biết:

“Hiện tại, nhiều người sử dụng cào điện để đánh bắt thủy sản, cào đến đâu là hủy diệt đến đó làm cho số lượng tôm, cá không còn nhiều như trước nữa, dẫn tới nhiều người bỏ nghề”.

Với tình hình khó khăn như hiện tại, một số người đã bỏ lưới, chỉ còn một số người tiếp tục theo nghề.

Tuy nhiên, họ vẫn không giấu được nỗi lo lắng về tương lai bấp bênh của mình khi gắn bó với cái nghề đang ngày một khó khăn.

Anh Vũ cho biết: “Tôi cố gắng duy trì nghề đăng lưới này một vài năm nữa, sau này chắc cũng sẽ chuyển sang nghề khác.

Nghề này ngày càng khó sống, nặng nhọc, làm hoài cũng không nổi”.


Gà Đông Tảo trên đất Đơn Dương Gà Đông Tảo trên đất Đơn Dương Sản xuất cá lồng theo chuỗi bước đầu nâng cao hiệu quả Sản xuất cá lồng theo chuỗi bước đầu…