Mô hình kinh tế Nghề Độc Dựng Cơ Nghiệp

Nghề Độc Dựng Cơ Nghiệp

Ngày đăng 20/06/2013

Nghề Độc Dựng Cơ Nghiệp

Nghề của ông Nguyễn Cao Cường, thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) "độc" nhất trong vùng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - nuôi rắn hổ mang phì (rắn hổ phì). Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề "độc" này lại giúp gia đình ông gây dựng được cơ nghiệp.

Năm 2009, sau khi trải qua nhiều nghề kiếm sống, được bạn bè hướng dẫn cách nuôi rắn hổ phì, ông mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng xây hầm, mua con giống về nuôi. Bắt đầu với hơn 100 con, đến nay gia đình ông đã có hơn 500 rắn thương phẩm và sinh sản.

Khu hầm nuôi rộng 100 m2, xây bằng gạch nung không trát, được chia thành 500 ô nhỏ. Đáy hầm lót gạch, có các khe thông xuống mặt đất tạo độ ẩm cho rắn. Nắp chuồng là những tấm bê tông nhỏ, đan lưới thép cho thoáng. Để đỡ phải mua con giống, đầu năm 2012 ông nuôi thử nghiệm 200 rắn sinh sản nên đã chủ động được khâu này. Rắn bố mẹ được ghép đôi vào dịp tháng ba âm lịch, đến tháng sáu rắn đẻ rộ, mỗi con cho từ 10 đến 20 trứng/lứa. Rắn mẹ ấp 60 ngày thì trứng nở, sau 6 tháng mỗi rắn con đạt khoảng 300 gam, có thể xuất bán con giống.

Hiện gia đình ông bán trứng rắn với giá hơn 100 nghìn đồng/quả; rắn giống giá từ 200 nghìn đến 250 nghìn/con. Loại thương phẩm đạt trọng lượng từ 1,5 kg/con đến 3 kg/con, thời gian nuôi tuỳ thuộc vào độ tuổi của con giống, trung bình sau 6 tháng là được bán.

Rắn hổ mang phì có nọc cực độc song thịt của chúng lại được liệt vào hàng đặc sản. Với giá dao động từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 450 triệu đồng. Xuất bán chủ yếu sang Trung Quốc và các TP như Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn.

Ông Cường chia sẻ: Nuôi rắn là nghề đặc biệt, phải được cơ quan chức năng cho phép, người nuôi cần hiểu rõ tập tính của chúng cũng như kỹ thuật chăm sóc. Trong các khâu, chọn giống là quan trọng nhất. Hổ phì giống phải là những con dài, mã đẹp và nhanh nhẹn. Không tốn nhiều lao động nhưng chăm rắn là việc cầu kỳ, tuyệt đối không được tỏ ra bực dọc hay nóng vội, sơ sẩy sẽ bị rắn cắn, hiện tại gia đình ông chỉ có 2 lao động thường xuyên.

Tuy những chú hổ phì khá phàm ăn, nhưng không phải cứ "nhồi" cho chúng ăn nhiều là tốt. Thường thì 3 ngày cho rắn ăn một bữa. Trong môi trường nuôi nhốt, loại thức ăn thích hợp là trứng gà và gà con bị loại trong quá trình sản xuất gà giống. Rắn hổ phì ăn cả thức ăn đông lạnh, đây là ưu điểm làm hạ chi phí chăn nuôi so với các loài rắn khác. Tuy nhiên món khoái khẩu nhất của hổ mang phì là cóc.

Ông Cường cho hay, hổ phì dễ mắc các bệnh như ghẻ, viêm phổi, tụ huyết trùng, đặc biệt là bệnh tiêu chảy nên phải phòng bệnh thường xuyên. Khi thời tiết thay đổi, cần giữ nhiệt độ, độ ẩm ổn định, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Khi chuồng rắn đột nhiên có mùi chua hoặc tanh của thức ăn chưa được tiêu hóa hết, rắn ói ra mồi là chúng đã bị bệnh tiêu chảy. Lúc này cần cho rắn ăn thưa bữa, từ 4 tới 6 ngày 1 bữa với rắn lớn và 2 tới 4 ngày với rắn nhỏ. Không để rắn ăn thức ăn thừa. Trong tất cả các bữa cần trộn thêm men tiêu hoá, giúp rắn hấp thụ tốt thức ăn và tăng khả năng đề kháng.


Lạc Xuân Được Mùa, Rớt Giá Lạc Xuân Được Mùa, Rớt Giá Gà Đồi Ba Vì Khát Thương Hiệu Gà Đồi Ba Vì Khát Thương Hiệu