Mô hình kinh tế Nghề nuôi nhím người dân không còn mặn mà

Nghề nuôi nhím người dân không còn mặn mà

Ngày đăng 16/09/2015

Nghề nuôi nhím người dân không còn mặn mà

9 - 2011, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, hiện nay, người dân không còn mặn mà với đối tượng nuôi này, nhiều chuồng trại đã đóng cửa do không có đầu ra, giá bán thấp.

Tại thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), hộ ông Nguyễn Văn Sinh là một trong những hộ nuôi nhím quy mô lớn. Năm 2010, do thấy nhím dễ nuôi, có lãi, cơ quan chức năng khuyến khích nên gia đình ông đã đầu tư 66 triệu đồng để xây chuồng trại, mua cặp nhím giống về nuôi.

Ông Sinh nói: “Khi ấy, mục đích của tôi là nuôi nhím sinh sản để bán nhím giống. Tôi tính toán, với giá nhím giống khoảng 8 triệu đồng/1 con khoảng 1 tháng tuổi thì chẳng bao lâu sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Thời điểm đó, nuôi nhím không sợ lỗ, bởi giá nhím thịt cũng rất cao, đến 600.000 - 700.000 đồng/kg.

Chính vì vậy, sau khi xây xong 22 chuồng nhím, tôi sang Đắk Nông tìm mua thêm 3 cặp nhím giống bố mẹ về nuôi. Qua hơn 2 năm chăm sóc, gây đàn, số lượng cá thể nhím của tôi lên hơn 40 con”. Khi đàn nhím của gia đình ông Sinh tăng lên cũng là lúc thị trường bão hòa, nhím giống, nhím thịt rớt giá thê thảm. Sau 5 năm nuôi nhím, ông thua lỗ hơn 60 triệu đồng. Bây giờ, đàn nhím của ông chỉ còn 9 con.

Ông đang tìm người để bán hết và chuyển sang chăm sóc vườn cây ăn quả.

Trại nuôi nhím của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh chỉ còn vài con

Ông Hà Mơ (xã Sơn Thái) cũng là một trong những hộ tiên phong nuôi nhím. Năm 2009, gia đình ông mua cặp nhím giống khoảng 2 tháng tuổi với giá hơn 30 triệu đồng. Sau 15 tháng nuôi, ông xuất bán 1 cặp nhím con 4 tháng tuổi với giá gần 20 triệu đồng.

“Vào thời điểm ấy, nhiều hộ trong xã đến học tập mô hình nuôi nhím của gia đình tôi để xây chuồng trại nuôi nhím, có người còn đặt cọc trước để mua nhím giống, bởi khi ấy nhím giống rất khan hiếm”, ông Mơ cho hay. Đến nay, tuy vẫn còn nuôi nhím nhưng ông Hà Mơ không chú trọng đầu tư nữa, ông cũng đang tìm khách hàng để bán 11 con nhím còn lại.

Theo chia sẻ của các hộ nuôi nhím, giai đoạn 2009 - 2011 là thời điểm vàng son của nghề nuôi nhím. Đến năm 2012, nghề này bắt đầu đi xuống vì vật nuôi rớt giá. Để vớt vát lại ít vốn, nhiều hộ đã bán tháo vật nuôi với giá rẻ. Như trường hợp gia đình ông Sinh hay ông Hà Mơ, có lúc họ bán nhím thịt chỉ với giá 180.000 đồng/kg, giá nhím giống đẹp chỉ khoảng 3 triệu đồng/cặp nhưng cũng rất ít người mua.

Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Chúng tôi từng hy vọng nghề này sẽ giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do đầu ra khó khăn, giá bán lại thấp nên các hộ không còn mặn mà với nghề này nữa. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn duy nhất hộ ông Hà Mơ nuôi nhím...”.

Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Trước đây, trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường, trong đó chủ yếu là nhím. Thế nhưng, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên toàn huyện chỉ còn một vài cơ sở nuôi nhím.

Một số hộ muốn tiếp tục gắn bó với nghề nuôi nhím nhưng gặp khó khăn trong việc cấp lại giấy chứng nhận trại nuôi động vật hoang dã thông thường, do các cơ sở này còn thiếu giấy chứng nhận đánh giá tác động môi trường...”.

Không riêng huyện Khánh Vĩnh mà tại các địa phương khác như: Khánh Sơn, Cam Ranh, Ninh Hòa... nhiều hộ nuôi nhím đã phải bỏ nghề này. Một số ít cơ sở muốn gắn bó với nghề lại gặp khó trong thủ tục đăng ký trại nuôi. Những khó khăn trên đã khiến nghề nuôi nhím đi vào thoái trào.

Ông Nguyễn Tây - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 119 cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có 106 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường, chủ yếu là nhím, giảm 49 cơ sở so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, một số cơ sở nuôi nhím đã dừng hoạt động, số cơ sở còn nuôi cầm cự với số lượng không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi thiếu kiến thức, hiệu quả kinh tế từ nghề này không cao...


Trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ trong nuôi lợn Trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công… TPP và sức ép với hộ chăn nuôi nhỏ TPP và sức ép với hộ chăn nuôi…