Mô hình kinh tế Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Những Bước Đi Khởi Sắc

Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Những Bước Đi Khởi Sắc

Ngày đăng 30/12/2013

Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Những Bước Đi Khởi Sắc

Do đặc điểm địa hình, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều vùng trũng, chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng.

Phát triển kinh tế VAC góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Thế nhưng, nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những diện tích khó canh tác này lại trở thành lợi thế trong nuôi trồng thuỷ sản. Phong trào chuyển đổi đã phát triển lan rộng, người dân đã có câu “ba sào ruộng cao không bằng một sào ruộng trũng”.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, sự cố gắng của người dân, từ năm 1997 đến nay, sản xuất thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, diện tích thủy sản toàn tỉnh đạt 5.450 ha, tăng 2.658 ha so với năm 1997, trong đó, diện tích ao, hồ tự nhiên tăng từ 2.073 ha năm 1997 lên 2.295 ha năm 2013, diện tích chuyển đổi ruộng trũng tăng từ 719 ha lên 3.155ha. Năng suất thủy sản tăng từ 1,44 tấn/ha năm 1997 lên 6,15 tấn/ha, tăng 4,27 lần so với năm 1997, sản lượng thủy sản tăng từ 5.260 tấn lên 35.000 tấn.

Với chủ trương đẩy mạnh thâm canh diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có, kể từ năm 2001, các địa phương trong tỉnh đã từng bước chuyển 2.450 ha ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Trong đó, 2 huyện Gia Bình và Lương Tài đã lập dự án chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang kết hợp nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả.

Việc chuyển đổi đã làm thay đổi phương thức nuôi cá từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh hàng hóa, nhiều vùng nuôi đã có sản lượng thủy sản trên 200 tấn/năm như Xuân Lai, Bình Dương, Nhân Thắng (Gia Bình), Trung Chính, Phú Hòa, Phú Lương (Lương Tài), Việt Hùng, Hán Quảng, Phù Lãng (Quế Võ)… đồng thời góp phần làm thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi từ đối tượng cá truyền thống sang các đối tượng giống mới. Cùng với đó, việc đẩy mạnh hỗ trợ cá giống lưu đông góp phần quan trọng giúp các hộ chủ động được nguồn giống chất lượng, thâm canh tăng vụ.

Hình thức nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng được đa dạng, phổ biến là các mô hình VAC, AC, do tận dụng được thức ăn có sẵn trong quá trình sản xuất nông nghiệp (phân hữu cơ từ chăn nuôi, ngô, thóc, thức ăn xanh từ trồng trọt) chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, đã có một số mô hình mới triển khai, nhưng bước đầu đem lại hiệu quả cho người nuôi, giúp nông dân học tập và làm theo. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá lồng trên sông đã tạo ra một hướng nuôi mới, có triển vọng để phát triển trong những năm tiếp theo, toàn tỉnh hiện có 90 lồng cá với sản lượng đạt 450 tấn, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 35-40 triệu đồng/lồng. Các mô hình nuôi luân canh cá-lúa, nuôi con đặc sản như ba ba, cá sấu... cũng được các hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư, bảo đảm mối liên hệ giữa cung và cầu.

Bên cạnh những thuận lợi về mặt định hướng, phát triển nuôi trồng thủy sản trong tỉnh vẫn còn một số khó khăn về vốn, quỹ đất, quy hoạch, đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ kỹ thuật… Đặc biệt, theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản cao đang là vấn đề đáng lưu tâm trong thời gian tới. Việc quy hoạch vùng, xây dựng chợ cá đầu mối hay nhà máy chế biến thủy sản để người nông dân có địa chỉ tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch cũng là một vấn đề quan trọng cần được xem xét… nhằm giúp người dân tiếp tục đầu tư theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa của thủy sản.


Để Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Để Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Cần Thận Trọng Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Cần Thận Trọng Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ…