Mô hình kinh tế Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân

Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân

Ngày đăng 18/04/2015

Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân

Nếu tính sản lượng 20 tấn/ha, với giá bán 16.000 đồng/kg, mỗi ha nuôi nghêu người dân bị thiệt hại khoảng 320 triệu đồng. Như vậy, tổng thiệt hại do nghêu chết gây ra sẽ lên đến con số hàng trăm tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là các sân nghêu bị chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng nghêu chết diễn ra trên diện rộng. Những người có thâm niên nuôi nghêu ở biển Tân Thành điều biết rằng, trong những năm gần đây, nghêu chết diễn ra liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của địa phương và đời sống của người dân.

Hơn 20 năm nuôi nghêu ở vùng biển Tân Thành, ông Trần Văn Vinh đúc kết: Những năm trước nghêu cũng chết, có sân chết nhiều, sân chết ít, sân không chết nên người dân tiếp tục đeo bám để tiếp tục theo nghề và bám biển. Trong 5 năm gần đây, nghêu đều có chết, có năm ít năm nhiều, riêng năm nay nghêu chết phủ trắng cả bãi. Điều đặc biệt là những năm gần đây, người dân đầu tư rất lớn vào con nghêu, người từ vài ha đến vài chục ha, nên thiệt hại do nghêu chết mang lại cũng sẽ rất lớn.

Thiệt hại vụ nghêu năm nay không chỉ đối với người nuôi mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân trong và ngoài xã Tân Thành. Bởi nghêu chết đã kéo theo hàng trăm lao động ở địa phương sống bằng nghề đi bắt nghêu trở nên không có việc làm. Không chỉ có lao động của xã Tân Thành mà còn của các xã lân cận. Một thời xã Tân Thành xóa đói giảm nghèo nhanh hơn các xã khác trong huyện cũng phần nào nhờ nghề nuôi nghêu.

Con số thống kê sơ bộ, mỗi năm bãi nghêu đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 ngày công lao động. Đây lại là lao động giản đơn không cần đến tay nghề cao, nhưng có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Nếu tính giá trị của mỗi ngày công lao động khoảng 150.000 đồng, thì chính con nghêu đã đóng góp rất lớn cho đời sống của hàng trăm hộ dân.“Việc tái sản xuất nghêu cho những vụ tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”- ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết.

Ai cũng biết rằng, con nghêu có giá trị kinh tế cao, được coi là “vàng trắng” đang được quan tâm đầu tư phát triển của ngành và địa phương. Thực tế, thời gian qua con nghêu Tiền Giang cũng đã góp phần làm thay đổi đời sống của các cư dân ven biển, đã vượt ra khỏi ranh giới Quốc gia, vươn đến các thị trường lớn trên thế giới, mang về ngoại tệ cho đất nước.

Tuy nhiên, nghề nuôi nghêu của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung một thời gian dài vừa qua còn phụ thuộc lớn vào nguồn giống tự nhiên, sản lượng nghêu thương phẩm hàng năm không ổn định, nguyên nhân do số lượng nghêu cũng như tần suất xuất hiện tại một số bãi nghêu giống luôn luôn biến động.

Trước những yêu cầu cấp bách của việc đáp ứng nguồn giống nghêu để ổn định và phát triển vùng nuôi nghêu ven biển Gò Công, ngày 18-6-2007, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 3321/UBND-CN về việc chấp thuận cho Sở Thủy sản (nay là Sở NN&PTNT) thực hiện Quy hoạch Vùng sản xuất giống nhuyễn thể khu vực ven biển Gò Công đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Theo phương án quy hoạch, diện tích quy hoạch đến năm 2015 vùng sinh giống là 600 ha (400 ha nghêu giống và 200 ha sò huyết giống), chủ yếu tập trung ở khu vực Cồn Ngang xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông; xã Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông nhằm cung cấp 55,4 tấn nghêu giống, trong đó sản xuất nhân tạo là 45 tấn; 7,65 tấn sò huyết giống (trong đó sản xuất nhân tạo là 3,75 tấn, cỡ giống 100.000 con/kg).

Với lượng con giống này sẽ đủ cung cấp cho 2.700 ha nuôi nghêu, tạo ra sản lượng 32.600 tấn nghêu thương phẩm. Quy hoạch cũng đã xác định và khoanh vùng bảo vệ 1.982 ha diện tích tiềm năng làm vùng đệm cho vùng quy hoạch sinh giống; đồng thời cũng là nơi các giống loài khác có điều kiện phát triển. Nhưng dường như mục tiêu này đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Hiện tại, câu hỏi lớn đang được đặt ra là vì sao con nghêu Tân Thành liên tục bị chết dường như chưa có lời giải thỏa đáng. Nhiều đoàn của các ngành cũng đã về bãi biển Tân Thành, nhất là sau những đợt nghêu chết, để tìm hiểu nguyên nhân, kể cả lấy mẫu nước, mẫu nghêu về phân tích nhưng vẫn chưa đưa ra kết quả cụ thể.

Đây là một trong những điều lo lắng, trăn trở của lãnh đạo huyện Gò Công Đông trong suốt những năm qua. Bởi chính sự phát triển thiếu bền vững của con nghêu đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con ngư dân và ảnh hưởng đến thu ngân sách của huyện, cũng như các vấn đề liên quan khác.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình và thực trạng con nghêu hiện nay, lãnh đạo huyện Gò Công Đông tâm tư: “Nghêu chết đang là vấn đề nóng của địa phương và được theo dõi hàng ngày. Tiếc rằng nhiều năm qua vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra được nguyên nhân cụ thể vì sao con nghêu bị chết để hạn chế được tình trạng này mỗi khi vụ sản xuất nghêu đến”.


Phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai Phát triển bền vững ngành thủy sản trong… Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học…