Nghịch lý ngành rau quả: Xuất nhiều nhưng nhập cũng cao
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến tháng 11, ngành rau quả Việt Nam đã xuất khẩu được gần 2,2 tỷ USD. Song chúng ta cũng phải nhập khẩu tới gần 1 tỷ USD rau quả, trong đó có nhiều loại rau củ quả trong nước có thể sản xuất được.
Trong ảnh: Thanh long là những một trong những mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh đóng hộp thanh long để xuất khẩu tại kho hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Lê Hữu Thọ
Đầy sầu riêng, măng cụt nhưng vẫn... nhập
Theo ông Đinh Cao Khuê - Tổng Giám đốc Công ty CP XNK thực phẩm Đồng Giao (Doverco), ngành sản xuất và kinh doanh rau quả khác với các ngành sản xuất, kinh doanh các loại nông sản khác thường nhận được các hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nhà nước: chẳng hạn như mía đường muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải có quota (hạn ngạch), lúa gạo nhiều thời điểm có chính sách tạm trữ, tương tự cà phê và rất nhiều ngành sản xuất kinh doanh các loại nông sản khác luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước. Ngược lại với ngành rau quả đã từ rất lâu việc sản xuất và kinh doanh rau quả luôn tự lập cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), tính tới hết tháng 11, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 814 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần nhập khẩu lớn nhất là Thái Lan (44%), kế tiếp là Trung Quốc (23%). Mặt hàng trái cây của Thái Lan hiện được người dân Việt Nam đang ưa chuộng hơn so với sản phẩm của Trung Quốc.
“Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là, sầu riêng, măng cụt, bòn bon (dâu da đất), me, táo, cam quýt, khoai tây, một số sản phẩm rau quả đã qua chế biến... Các mặt hàng này Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được và chất lượng không thua kém gì hàng nhập khẩu. Như vậy, nếu chúng ta biết định hướng, tận dụng và khai thác hết được thị trường trong nước, để chính ngành nông nghiệp của Việt Nam cung cấp toàn bộ cho nhu cầu của thị trường Việt Nam thì sẽ nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp”- ông Khuê nhận định.
Trong khi đó, đối với thị trường xuất khẩu, ông Khuê cho rằng, đến thời điểm hiện nay, thị trường xuất khẩu rau quả của nước ta cơ bản rất là rộng lớn như các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Quốc… Chỉ tính riêng trong 11 tháng năm nay, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,178 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta là: Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Mỹ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%).
Rau quả Việt Nam có thể xuất khẩu tăng gấp 5-10 lần
Ông Khuê cho rằng: “Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để phát triển mở rộng hơn nữa cả về thị trường tiêu thụ và sản lượng, cũng như chủng loại rau quả xuất khẩu. Nếu chúng ta tập trung kiểm soát tốt được đầu vào, quy hoạch vùng để sản xuất nguyên liệu cho chế biến, hoàn toàn có thể xuất khẩu được với số lượng gấp 5 đến 10 lần hiện nay trong thời gian rất gần. Để tiếp cận tốt được thị trường, chúng ta phải thường xuyên tham gia giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam ở các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế”.
Tính đến thời điểm hiện tại thì số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung là không nhiều. Chẳng hạn như ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao, dứa Lào Cai. Các vùng quả đặc sản như cam ở Hà Giang, Hàm Yên – Tuyên Quang, Cao Phong – Hòa Bình hầu như cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước.
Thực tế cho thấy, có nhiều vùng có thể trồng rau quả được như các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Gia Lai) có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật… với số lượng rất lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu; các tỉnh phía Nam có các khu vực đất nhiễm phèn, nhiễm mặn như Gò Quao – Kiên Giang rất thích hợp để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa sẽ cho hiệu quả cao; các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… rất thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả.
Từ thực tiễn trên, ông Khuê cho rằng, cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả gắn liền với các nhà máy chế biến. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu không bị giới hạn trong một vùng lãnh thổ nào, mà phải quy hoạch đồng bộ cả một vùng rộng lớn. Ví dụ như ở Công ty CP XNK thực phẩm Đồng Giao, để duy trì đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thì ngoài vùng nguyên liệu quy hoạch tại Ninh Bình, đơn vị phải liên kết sản xuất hàng trục nghìn ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang…
Ông Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Vẫn phải nhập nhưng sẽ ít dần
Đúng là chúng ta đang phải nhập một số loại trái cây như táo, năng cụt, sầu riêng và một số rau quả khác, bởi vì đây là những sản phẩm không phải thế mạnh của chúng ta, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu không phải là lý tưởng như các nước khác để phát triển các loại rau quả này. Ví dụ Thái Lan có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tốt hơn để sầu riêng, măng cụt, bòn bon thu hoạch quanh năm, hơn nữa ngành nghiên cứu giống của họ đã phát triển trước mình nhiều năm nên họ có các giống tốt, giá rẻ hơn nên mình phải nhập.
Tuy nhiên, ta không nhập quanh năm mà chỉ nhập ở những thời điểm nhất định, trái vụ và số lượng nhập cũng ít để phục vụ khách du lịch đến Việt Nam. Trong bối cảnh rau quả Việt Nam đang được đẩy mạnh sản xuất, các loại rau quả phải nhập như sầu riêng, măng cụt cũng đang được nghiên cứu mở rộng vùng trồng trong nước, chắc chắn rau quả nhập khẩu sẽ giảm dần theo thời gian.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT): Năm 2017 sẽ đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc
“Trung Quốc cũng đang có xu hướng mở cửa thêm đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam, hiện chúng ta đang làm thủ tục để thị trường này sớm mở cửa đối với dừa, măng cụt. Vì vậy trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2017, để đẩy mạnh mặt hàng rau quả sang thị trường này, chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại và đưa ra những kiến nghị, gỡ khó cho cả 2 phía, bên cạnh đó chúng ta cần tiếp tục theo dõi để mở cửa tiếp tục thị trường này”.
Ông Đinh Văn Hương – Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam: Còn nhiều dư địa, tiềm năng
Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các mặt hàng rau quả để xuất khẩu. So với những năm trước đây, hiện nay tiềm năng rau quả trong nước đang được khai thác mạnh mẽ hơn, chúng ta có nhiều sản phẩm rau quả ngon, chất lượng, phong phú chủng loại và được nhiều thị trường đón nhận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với lợi thế sát ngay cạnh chúng ta nên thời gian đưa sản phẩm sang ít hơn nên rau quả vẫn giữ được tươi ngon, đỡ tốn kém chi phí vận chuyển.
Trong năm 2017, các thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan còn nhiều dư địa, rất tiềm năng và có thể đẩy mạnh xuất khẩu với lợi thế gần Việt Nam. Bên cạnh đó chúng ta cũng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, các thị trường này đang mở cửa đối với rau quả Việt Nam.
Đình Thắng (ghi)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ