Mô hình kinh tế Ngồi rung đùi làm vườn

Ngồi rung đùi làm vườn

Tác giả Nguyên Vỹ, ngày đăng 31/08/2016

Ngồi rung đùi làm vườn

Nông dân mê cơ khí

Tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai), nông dân Trần Anh Tùng (42 tuổi) được biết đến như người đi đầu trong việc tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Minh Đức- Phó phòng Kinh tế huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, mô hình VietGAP cho sầu riêng được UBND huyện phối hợp triển khai từ cuối năm 2013.

Tuy chỉ mới một phần diện tích được cấp chứng nhận VietGAP nhưng bà con nông dân ở đây đều đang chuyển sang trồng theo quy trình sản xuất an toàn này.

Anh Tùng luôn là gương mặt điển hình của phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

 

“Ngồi rung đùi” là cách anh Tùng cụ thể hóa kiểu làm vườn nhàn rỗi của mình.

Nhưng sự nhàn rỗi đó phải được xây dựng từ quá trình làm việc năng động, có định hướng và đẩy mạnh cơ giới hóa.

Ngoài việc áp dụng hệ thống tưới tự động, dùng máy tạo gió để kích thích sầu riêng ra trái, chiếc máy phun thuốc đa năng tự chế của anh đã khiến bao người phải trầm trồ thán phục.

Được chế xong hồi tháng 10.2015, điểm nhấn của máy chính là 2 chiếc cần phun tự động.

Chỉ cần xe chạy, 2 chiếc cần có thể tự phun thuốc, tự thay đổi góc quay từ thấp tới cao để tưới cả vườn.

Anh Tùng cho biết, chiếc máy hoạt động dựa trên nguyên lý truyền động ma sát.

Trục cầu sau của máy cày được đấu nối với đầu bơm cao áp qua dây curoa.

Khi xe lăn bánh sẽ kéo theo đầu bơm hoạt động, hút thuốc từ thùng chứa lên cần phun.

Để cần phun thay đổi góc phun, anh tạo thêm một hệ thống ròng rọc để lợi dụng sức kéo từ điểm gắn lệch tâm trên bánh xe.

Bánh quay sẽ tạo ra lực kéo tới làm chuyển động cần.

Lực từ lò xo sẽ lui cần để trả cần về vị trí cũ.

Cả 2 cần này đều có van khóa.

Ngoài ra, còn có 1 cần phun bằng tay để phun thêm những góc khuất.

Với chiếc máy này, một phi nước 300 lít, chỉ phun chừng 30 phút là hết, rút ngắn một nửa thời gian.

Đến lúc thu hoạch, rơ-moóc chứa thùng thuốc và phân bón phía sau lại sử dụng để vận chuyển nông sản.

Nhiều người đến tham quan, tìm hiểu rồi nói anh đi đăng ký bằng sáng chế nhưng anh bảo: “Cái máy này có gì đáng kể đâu mà đăng ký.”

Trình độ của anh chỉ mới lớp 9.

Theo lời kể của Tùng, niềm đam mê cơ khí đã ăn vào anh từ lúc còn thanh niên.

Khi còn chưa biết tí gì về động cơ, anh đã tháo banh chiếc máy nổ rồi mày mò ráp lại cho tới khi vận hành lại bình thường.

Có lần cả gia đình dồn gần 5 cây vàng mua được chiếc máy hai càng đi thu mua cà phê.

Anh tháo tung mọi thứ ra.

Nhưng đến khi ráp lại thì cái máy chạy ngược.

Anh phải nhờ thêm một người bạn đang học thợ máy về nghiên cứu...

Hết 3 ngày 3 đêm mày mò, cái xe mới chịu chạy như bình thường.

Chưa dừng ở đó, anh tiếp tục tìm hiểu về động cơ ô tô.

Anh có thể mô tả tỉ mỉ từng dòng động cơ trên mỗi xe dù hồi đó tài liệu còn khó khăn.

“Cùng với khiếu ăn nói, 10 năm nay, giám đốc một salon ô tô cứ muốn rủ tôi về hợp tác mua bán xe.

Bẵng đi một thời gian, anh chàng giám đốc đó quay lại hỏi thăm thì tôi bảo giờ đang nghiên cứu động cơ phản lực tàu ngầm.

Anh bạn đó trố mắt nhìn, còn vợ tôi thì cứ ôm bụng cười” - anh Tùng kể.

Xuất phát từ nhu cầu bức bách hiện nay là nhân công ở nông thôn ngày càng khan hiếm, một mình Tùng không thể xoay trở trên mấy ha vườn nên chiếc máy phun tự chế ra đời từ niềm đam mê cơ khí đó.

“Làm nông nghiệp bây giờ phải bài bản, năng động như thế mới thắng được.

Ngay như vườn mít, trồng xen canh chơi chơi vậy mỗi năm tôi cũng kiếm hơn 100 triệu đồng.

Giờ trồng cây ăn quả nhàn hạ lắm” - anh Tùng cười nói.

Làm nông nghiệp tốt phải năng động

Từ khuôn viên sân nhà với đủ loại hoa kiểng ra tới nửa hecta vườn trồng phía sau, người tham quan rất dễ có thiện cảm với sự sắp xếp sạch sẽ, gọn gàng của gia chủ.

Theo anh Tùng, làm nông cũng phải ngăn nắp, chuyên nghiệp.

“Tôi quen phong cách như thế từ nhiều năm trước chứ không phải đợi đến khi áp dụng mô hình VietGAP cho sầu riêng”.

Để ứng dụng mô hình này, gia đình anh cũng phải trải qua 17 năm kinh nghiệm.

Sau bao nỗ lực cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hiện anh Tùng đã chuyển đổi toàn bộ gần 2,5ha sầu riêng sang mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vụ thu hoạch vừa rồi, anh đạt hơn 20 tấn/ha so với 13 tấn trước đây.

Hai xã Bình Sơn, Bình An có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Long Thành, khoảng 60ha.

Trong số 9 hộ trồng theo VietGAP (15ha), 3 anh em anh Tùng đã có 5ha.

Anh Tùng đang là tổ trưởng tổ sản xuất này.

Dù giá sản phẩm trồng theo VietGAP cao hơn sản phẩm thường nhưng vẫn được thị trường chấp nhận.

Tùng kể, vì gia đình đang vướng bận con nhỏ mới sinh, khâu cung cấp hàng cho siêu thị Co.opmart phải tạm ngưng.

Nhưng với tiềm lực có sẵn, anh tự tin mùa sau sẽ thắng lớn.

Sắp tới, anh sẽ mở rộng tìm kiếm mạng lưới tiêu thụ.

Mục tiêu là giao hàng cho hệ thống Co.opmart sản lượng 1 tấn/ngày.

Tại địa phương phong trào nuôi gà thả vườn phát triển mạnh.

Nhà anh cũng có 2 trại với 3.000 con.

Với giá bán hiện tại, 1.000 con có thể cho lời 30 triệu đồng.

Tận dụng nguồn phân thải, anh lại sử dụng làm phân bón hữu cơ cho sầu riêng.

“Tôi thấy ở Đồng Nai này không làm gì sướng bằng trồng cây ăn quả.

Cùng với các loại cây khác có sẵn như mít, điều, quýt; mục tiêu thu nhập mỗi năm đem về nửa tỷ đồng là bình thường”- anh Tùng khẳng định.

Có lần cha anh bảo các con đi Mỹ định cư để thoát khổ.

“Nhưng tôi không chịu.

Nếu làm nông giỏi, ở Việt Nam cũng làm giàu được.

Tới giờ tôi vẫn tự hào với bạn bè rằng tôi là nông dân” - anh Tùng bộc bạch.

Theo anh Tùng, nông dân không hề thua kém ai, nhưng lại không có điều kiện tiếp cận thông tin và các mô hình nông nghiệp tiên tiến.

Đã gọi là cùng liên kết để phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không chỉ nông dân mà cán bộ, chính sách cũng phải đổi mới.

Được biết, anh Tùng có tên trong danh sách sẽ tham gia Chương trình tôn vinh Nông dân sản xuất giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 10 tới tại Hà Nội.


Ấm no nhờ nuôi bò luân chuyển Ấm no nhờ nuôi bò luân chuyển Cho mía sống chung với cao su Cho mía sống chung với cao su