Mô hình kinh tế Ngư Dân Chờ Gói Tín Dụng Mới

Ngư Dân Chờ Gói Tín Dụng Mới

Ngày đăng 20/05/2014

Ngư Dân Chờ Gói Tín Dụng Mới

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, cho biết: Đến nay, cả nước có gần 6.200 tàu cá đăng ký và được phê duyệt đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa.

Tuy nhiên, Nhà nước mới hỗ trợ được 23 tàu cá đóng mới có công suất từ 90 CV trở lên và thay máy mới cho 130 tàu cá có công suất từ 40 CV trở lên. Như vậy, tỷ lệ tàu cá được hỗ trợ đóng mới, thay máy mới còn quá thấp.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên nhân chính là do mức hỗ trợ thấp, trong khi giá máy mới 100% nhập khẩu lại quá cao nên không khuyến khích được ngư dân, điều kiện để được hưởng hỗ trợ khó khăn, trong khi máy tàu mới trong nước chưa sản xuất được.

Tuy chính sách rất khuyến khích nhưng do cơ chế cho vay và cơ chế xử lý rủi ro thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường nên rất khó với ngân hàng và ngư dân.

Để cải thiện tình hình, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá.

Trước mắt, tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần đi kèm các tổ đội sản xuất trên biển và các tàu khai thác đối tượng giá trị cao như cá ngừ đại dương, mức vay 80% giá trị con tàu; thời hạn vay 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất ở mức ưu đãi 2,5%/năm và tài sản thế chấp chính là con tàu được hình thành. Ngân sách nhà nước bù chênh lệch lãi suất so với lãi suất thương mại ưu đãi trong nông nghiệp.

Dự kiến tổng giá trị gói tín dụng trên đây khoảng 48.000 tỷ đồng.

Khi đề cập đến định hướng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản trong thời gian đến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Sẽ ưu tiên và tích cực thực hiện đầu tư tín dụng cho ngư dân để khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Đối với khai thác thủy sản xa bờ, ông Bình đưa ra giải pháp là, bên cạnh việc triển khai cho vay đóng mới, cải hoán tàu và các chi phí trong các chuyến khai thác hải sản xa bờ như hiện nay, ngành Ngân hàng có chính sách tín dụng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong quá trình khai thác thủy sản xa bờ.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đối với lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.

Với cách nhìn nhận mới mẻ, thông thoáng về những giải pháp và chính sách phát triển thủy sản Việt Nam, một lần nữa cho thấy, ngành thủy sản nước ta đang có cơ hội để dần khẳng định và vươn lên thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, góp phần đắc lực bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhưng, ngư dân còn trông chờ điều hơn thế. Đó là, các chính sách ấy sớm triển khai trên thực tế.


Xuất Khẩu Tôm Sang Australia Tăng Mạnh Xuất Khẩu Tôm Sang Australia Tăng Mạnh Hỗ Trợ 2 Tỉnh Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản Hỗ Trợ 2 Tỉnh Phòng, Chống Dịch Bệnh…